Những con số kỷ lục
Theo báo cáo, chi tiêu quân sự đã tăng trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu, Trung Đông và châu Á. Nan Tian - một nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI, nêu rõ, tổng chi tiêu quân sự đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, và lần đầu tiên kể từ năm 2009, con số này tăng trên cả 5 châu lục, cho thấy những nguy cơ đối với hòa bình và an ninh trên toàn cầu.
Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Saudi Arabia lần lượt là 5 quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất năm 2023. Cụ thể, chi tiêu quân sự của Mỹ trong năm 2023 tăng 2,3% so với năm 2022, lên 916 tỷ USD. Mức chi tiêu này của Trung Quốc là khoảng 296 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2022 và là năm thứ 29 liên tiếp quốc gia Đông Bắc Á này tăng chi tiêu quân sự. Mức chi tiêu của Nga và Ấn Độ lần lượt là 109 tỷ USD và 83,69 tỷ USD.
Trong khi đó, chi tiêu quân sự của Saudi Arabia trong năm 2023 tăng 4,3% so với năm 2022, lên khoảng 75,8 tỷ USD, mức chi tiêu quân sự cao nhất trong khu vực. Ở châu Âu, Ba Lan chứng kiến mức tăng chi tiêu quân sự lớn nhất từ trước đến nay, với 31,6 tỷ USD trong năm 2023, tăng 75% so với năm 2022.
Tương tự, tại các nước ở khu vực Trung Mỹ và Caribe, châu Phi, chi tiêu quân sự cũng tăng mạnh, chủ yếu vì phải đối phó với tình trạng bất ổn do các nhóm tội phạm có vũ trang gây ra.
Vòng xoáy xung đột
Trong khi Mỹ vẫn là nước chi tiêu chính của NATO, thì các thành viên châu Âu tăng thị phần. Chi tiêu quân sự của Mỹ chiếm 68% tổng chi tiêu quân sự của NATO. 31 thành viên NATO chiếm 1.341 tỷ USD, bằng 55% chi tiêu quân sự của thế giới.
Ông Lorenzo Scarazzato, nhà nghiên cứu của Chương trình Sản xuất vũ khí và Chi tiêu quân sự của SIPRI, cho biết: “Đối với các quốc gia NATO ở châu Âu, 2 năm xung đột vừa qua ở Ukraine đã thay đổi căn bản triển vọng an ninh. Sự thay đổi trong nhận thức về mối đe dọa này được phản ánh qua việc tỷ trọng GDP ngày càng tăng được hướng vào chi tiêu quân sự". Một thập niên sau khi các thành viên NATO chính thức cam kết mục tiêu chi 2% GDP cho quân đội, 11 trong số 31 thành viên NATO đã đạt hoặc vượt mức này vào năm 2023 - con số cao nhất kể từ khi cam kết được đưa ra. Một mục tiêu khác - hướng ít nhất 20% chi tiêu quân sự sang “chi tiêu thiết bị” - đã được 28 thành viên NATO đáp ứng trong năm 2023, tăng từ 7 thành viên vào năm 2014.
Ngân sách quốc phòng của Ukraine đã tăng gần 9 lần, lên 31,1 tỷ USD trong năm 2023, không bao gồm các khoản viện trợ từ nước ngoài, trong khi Nga đã nâng chi tiêu quân sự vào năm 2023 lên 108,5 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng thêm. Theo giới phân tích, sự gia tăng chưa từng có trong chi tiêu quân sự là phản ứng trực tiếp trước sự suy yếu của hòa bình và an ninh toàn cầu. Các quốc gia đang ưu tiên sức mạnh quân sự, nhưng họ có nguy cơ rơi vào vòng xoáy xung đột trong bối cảnh an ninh và địa chính trị ngày càng biến động.