Bộ Công thương nước chủ nhà Hàn Quốc đã phát đi thông báo khắp nơi về khả năng giả mạo sản phẩm, đồng thời phải nhờ trung tâm trọng tài thương mại hỗ trợ can thiệp để người tiêu dùng trên thế giới, trong đó có Việt Nam biết về thông tin này. “Cuộc chiến” về sở hữu trí tuệ, thương hiệu… đang nóng hơn bao giờ hết.
Chấp nhận “sống chung với lũ”!
Thông tin từ một số trung tâm trọng tài thương mại, hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho thấy, số vụ khởi kiện liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp thương mại đã và đang gia tăng trong thời gian gần đây. Thống kê từ Bộ Công thương Hàn Quốc cho biết, tính riêng tại Việt Nam, số doanh nghiệp (DN) FDI đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ cao gấp 8 lần so với DN trong nước. Thực tế, hàng giả, hàng kém chất lượng tại nước ta cũng được phía bạn chỉ đích danh rất nhiều và tràn lan, nên sẽ tác động tới môi trường đầu tư, kinh doanh của các DN. Sản phẩm của Unilever Việt Nam cũng không ngoại lệ, khi thống kê có năm thiệt hại từ hàng giả, hàng lậu lên tới hàng chục triệu USD; trong đó, khoảng 90% hàng giả được sản xuất từ nước ngoài sau đó tuồn vào Việt Nam tiêu thụ. Trường hợp chuỗi cửa hàng khá lớn mang thương hiệu Hàn Quốc (nhưng thực chất là của Trung Quốc) nêu trên cũng là một trong số này, khi cố tình mập mờ thương hiệu để lừa người tiêu dùng.
Ông Ngô Văn Thương, ngụ tại quận Phú Nhuận, TPHCM, chia sẻ cách nay hơn 1 tháng, ông cùng gia đình đi mua sắm tại một hội chợ trên địa bàn TPHCM. Thấy có gian hàng chuyên doanh khăn choàng, quần áo các loại được giới thiệu làm từ lụa tơ tằm nên ông ghé vô xem. Người bán giới thiệu tất cả sản phẩm đều được dệt từ các làng nghề truyền thống ở Tây Nguyên, làng lụa Vạn Phúc… có giá bán dao động từ 90.000 - 1 triệu đồng/sản phẩm, tùy loại. “Chất liệu vải mềm mại, màu sắc trung tính, dễ sử dụng. Thế nhưng, vô tình xem mác bên trong, tôi thấy ghi xuất xứ từ Trung Quốc. Tôi không tiếc tiền mua hàng, nhưng thấy buồn vì cách buôn bán chụp giựt của bà con mình”, ông Ngô Văn Thương nói.
Tương tự, tại chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM) cũng không phải ngoại lệ, mặc dù đây được xem là “bộ mặt” của TP khi mỗi ngày tiếp đón số lượng lớn du khách, người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Nhưng trong đợt kiểm tra 20 cửa hàng chuyên doanh tại chợ Bến Thành, đoàn kiểm tra liên ngành ghi nhận tại đây bày bán đủ các mặt hàng túi xách, mắt kiếng, đồng hồ các loại mang nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới (Dior, Chanel, Gucci…) nhưng giá bán chỉ vài trăm ngàn đồng đến 2 triệu đồng/sản phẩm. Chính người bán thừa nhận nhập hàng từ Quảng Châu (Trung Quốc) với giá chỉ vài chục ngàn đồng/sản phẩm, sau đó đem về Việt Nam bán lại cho du khách với mức lời gấp 5 - 10 lần, thậm chí vài chục lần so với giá gốc.
“Chúng tôi đều biết tình trạng giả sản phẩm, nhưng khó xử lý triệt để vì sau mỗi lần kiểm tra, thu hồi, tiêu hủy, hàng giả lại tràn về như cũ. Chúng tôi cất công điều tra, giám định… rất tốn kém, cũng có lúc muốn buông bỏ, chấp nhận “sống chung với lũ” vì ngán quá! Tâm lý chung của người tiêu dùng Việt vẫn thích hàng rẻ nên đã tạo điều kiện để hàng giả mặc nhiên tung hoành”, đại diện một DN chuyên về mỹ phẩm Hàn Quốc tâm tư.
Lựa chọn sản phẩm uy tín
Lãnh đạo Cơ quan xúc tiến thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan ở nước ta do nguồn nhân lực của Việt Nam còn hạn chế, cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ chồng chéo, thủ tục nhiều bất cập, nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam chưa được nâng cao… Chính vì vậy, để ngăn chặn hữu hiệu hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường, cơ quan chuyên trách của Việt Nam nên tăng cường các biện pháp chế tài bằng cách xử phạt thật mạnh, nghiêm khắc những đối tượng kinh doanh hàng giả; đồng thời nâng cao hiểu biết, nhận thức cho người tiêu dùng Việt biết cách phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường. Trao đổi với báo chí, ông Trần Hùng, Cục phó Cục Quản lý thị trường (QLTT) phụ trách phía Nam, thẳng thắn thừa nhận những bất cập hiện nay trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái trên thị trường, dù rằng lực lượng QLTT vẫn đang nỗ lực đẩy lùi vấn nạn này. Tuy vậy, ở góc độ cơ quan chuyên trách, ông Trần Hùng khuyến cáo người tiêu dùng nên chủ động bảo vệ mình bằng cách lựa chọn những sản phẩm có uy tín, nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm chứng…
Đánh giá về thực trạng hàng giả hiện nay, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TPHCM, chỉ ra rằng để đẩy lùi tình trạng trên thì nhà nước và người dân cần phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết về sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực thực thi pháp luật, có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước. Về quan hệ với các nước trên thế giới, Việt Nam cần mở rộng hợp tác quốc tế, tham gia xây dựng lực lượng quản lý chuyên trách nhằm phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về xâm phạm sở hữu trí tuệ.