Nỗi lo của châu Âu

Cuộc bầu cử Quốc hội Pháp đã kết thúc được một tuần, nhưng hậu bầu cử vẫn là chủ đề nóng khi mà Pháp là nền kinh tế lớn thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU), có một vị thế quan trọng trong khối này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rời điểm bầu cử Quốc hội ở Le Touquet, ngày 30-6-2024. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rời điểm bầu cử Quốc hội ở Le Touquet, ngày 30-6-2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo bà Marie Krpata, nhà nghiên cứu của Viện Quan hệ quốc tế Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng là một lực đẩy trong EU liên quan một số chủ đề, như năm 2017, đưa ra một số đề xuất giúp EU tiến lên; có thành công nhất định về chính sách công nghiệp của EU; thiết lập các cơ chế bảo hộ thương mại, tích cực phối hợp trong chính sách quốc phòng ở cấp độ châu lục. Ngoài ra, còn có khái niệm "quyền tự quyết" của châu Âu, một khái niệm do Tổng thống Pháp đề xướng và được chấp nhận trong nội bộ EU…

Thế nhưng Quốc hội Pháp hiện bị phân rẽ làm 3 khối chính trị lớn mà không có bên nào chiếm được đa số tuyệt đối. Tình hình kéo dài sẽ buộc phải tìm kiếm các liên minh để thông qua các văn bản luật. Theo bà Krpata, điều đó sẽ khiến Pháp phải dồn mọi chú ý cho các vấn đề trong nước, tiếng nói trong EU sẽ bị suy yếu khi không thể đóng góp nhiều cho khối. Trong khi đó, tình hình ở Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, cũng không mấy sáng sủa.

Báo The Economist từng bày tỏ lo ngại về tình hình kinh tế không được như mong muốn: tăng trưởng trì trệ, lạm phát cao, giá năng lượng bị tăng lên khiến tính cạnh tranh của các cơ sở công nghiệp Đức gặp khó khăn.

Thêm nữa, năm 2025, Đức cũng sẽ có bầu cử lập pháp, trước mắt sẽ có các cuộc bầu cử vùng ở các bang phía Đông như Brandenburg, Saxony vào tháng 9-2024. Liệu các đảng trong liên minh cầm quyền có chiến thắng, trong bối cảnh theo truyền thống, cử tri các bang phía Đông nước Đức đều ủng hộ các đảng cực đoan, các đảng cực hữu và cực tả.

Vì vậy, theo bà Krpata, cả Pháp và Đức nhiều khả năng đều bị suy yếu. Điều này tác động nghiêm trọng đến EU vào thời điểm khối này đang đứng trước những ngả rẽ quan trọng, phải quyết định cách thức hành động trong một thế giới mà các mối quan hệ quốc tế ngày càng gay gắt hơn; EU đang bị kẹp giữa Trung Quốc và Mỹ, nhất là khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng vào cuối năm nay.

Tin cùng chuyên mục