Mai sau “ta yếu”, mẹ già...
“Phụ huynh xem con học hành thế nào nhé. Suốt ngày tắt camera, cô gọi phát biểu thì tắt micro. Cứ học hành thế này thì làm sao con nắm được bài vở…”, cô giáo chủ nhiệm phản ánh với chị Nguyễn Lan Anh (phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TPHCM) về con trai đang học lớp 1. Theo chị Lan Anh, con trai chị khá hiếu động, hay nghịch ngợm trong lớp. Mới bước vào năm học đầu đời, vướng dịch bệnh nên phải học online khiến bé không tập trung học hành. “Nhà neo người, bà ngoại thằng bé bệnh liên miên, nên mình cứ phải chạy đôn đáo. Thu nhập hiện tại chỉ trông chờ vào chồng mình, nên áp lực lắm”, chị Lan Anh tâm sự.
Có chút khác biệt so với chị Lan Anh, anh Ngô Phương Dũng (ngụ tại quận 6, TPHCM) vẫn song hành vừa đi làm vừa chăm sóc mẹ già gần 90 tuổi. Anh Phương Dũng trầm ngâm: “Mình gần nghỉ hưu, nhưng đứa lớn mới 11 tuổi, đứa nhỏ 8 tuổi. Vừa lo công việc, vừa chăm con nhỏ và mẹ già yếu, khiến mình trăn trở về tương lai của hai vợ chồng. Nhiều lúc thấy mệt mỏi khủng khiếp”.
Với không ít người, việc chăm sóc cha yếu mẹ già là điều thường nhật. Thế nhưng, nỗi lo chính họ sắp già, đang già cũng trở thành áp lực trong cuộc sống, nhất là ở những thành phố lớn như TPHCM - có xu hướng người trẻ kết hôn muộn ngày càng tăng. Như trường hợp anh Phương Dũng là ví dụ. Anh mải mê công việc, gần 50 tuổi mới lập gia đình, giờ rơi vào cảnh cha già con mọn, ba mẹ lớn tuổi đều nhờ vợ chồng anh phụng dưỡng. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng mình lo nhất cảnh những đứa con của mình lại phải hì hục chăm lo cho hai vợ chồng già như mình, trong khi chúng còn quá nhỏ”, anh Phương Dũng lo lắng.
Sẵn sàng cho cuộc sống tương lai
Ở nhiều quốc gia, con cái có thể phụng dưỡng trực tiếp hoặc gửi cha mẹ già đến viện dưỡng lão - nơi có điều kiện và kinh nghiệm tốt về chăm sóc người cao tuổi. Tất nhiên, đằng sau đó còn là bài toán kinh tế, bởi những người thu nhập thấp, không có lương hưu, thiếu tích lũy tài chính… sẽ rất khó lòng an hưởng tuổi già đúng nghĩa. Còn tại Việt Nam, số liệu sơ bộ về tình trạng già hóa dân số cho thấy, số người già không có lương hưu và trợ cấp chiếm khoảng 64%. Như vậy, những người này phải tự lao động kiếm sống, hoặc nhờ vào trợ cấp từ con cái, cộng đồng…
Muốn hạn chế vòng luẩn quẩn “chưa giàu đã già” cần có lời giải về các bài toán an sinh xã hội, thúc đẩy các chính sách chăm lo cho người cao tuổi. Có như vậy người lao động có thêm điều kiện tận tâm cống hiến phát triển xã hội. |
Còn anh Lê Văn Minh Long (ngụ tại quận Gò Vấp), chia sẻ, gia đình anh có 3 người, mẹ già ngoài 80 tuổi và chị gái đã lập gia đình. Ở độ tuổi U.50, anh Long vẫn cần mẫn làm nhân viên tại một doanh nghiệp nước ngoài, cùng mẹ đi tập thể dục, trò chuyện mỗi tối. “Trước đây, mẹ tôi cũng thúc ép chuyện lập gia đình, nhưng nay không nhắc đến nữa. Vạn sự tùy duyên thôi. Mà chuyện lập gia đình là chuyện cả đời, đâu phải cứ muốn là được. Chưa kể, độc thân cũng có cái vui riêng. Còn về già ư, tôi đã chuẩn bị và khảo sát các viện dưỡng lão ở TPHCM cũng như các tỉnh thành rồi”, anh Minh Long cho hay.
Không chỉ những người độc thân, mà chính một số người lập gia đình cũng chia sẻ rằng, để tránh áp lực cho con cái, ngay từ sớm họ đã tìm hiểu thông tin về các viện dưỡng lão để chuẩn bị hành trình già yếu sau này. Bên cạnh đó, tích lũy và chủ động tài chính cũng sẽ giúp mỗi người yên tâm hơn cho hành trình dài phía trước.