Theo ghi nhận, dù cho phép các phương tiện cơ giới lưu thông trên cầu vượt Dầu Giây, nhưng các hạng mục thi công vẫn đang ngổn ngang. Ngoài phần cầu chính nằm trên trục quốc lộ 1A cơ bản hoàn thiện thì các hạng mục khác không có gì thay đổi, mặt đường đoạn quốc lộ 1A và quốc lộ 20 đến nút giao tại ngã tư có nhiều ổ gà, vết “sóng trâu”, xe cộ đi lại khó khăn dưới chân cầu.
Mặt cầu có một số công nhân tiến hành dọn dẹp vật liệu xây dựng còn sót lại, một vài đoạn được trám bằng hồ, thay vì nhựa đường, nhiều khung sắt gỉ sét dựa vào dải phân cách trên làn đường.
Theo Công ty CP BT20 - Cửu Long, sát tường chắn hai bên cầu vượt phía mố M1 (phía Bắc) có một đường viên vỉa chôn phía dưới, phần trụ đèn nằm trong phạm vi này nên không tác động đến người đi đường và mố 2 (phía Nam) do lưu lượng xe quá đông, đơn vị không thể chặn đường để chôn các viên vỉa xuống. Tuy nhiên, các hộ dân sống gần cầu không đồng tình với giải thích của nhà đầu tư.
Chị Nguyễn Thị Trâm (39 tuổi, sống gần cầu vượt Dầu Giây) bức xúc: “Sau 5 năm chờ đợi cây cầu hoàn thành để người dân bớt khổ, giờ sống trong lo lắng vì hệ thống trụ đèn ở cầu vượt nhô ra ngoài, giống như chực chờ bẫy người đi đường, thành cầu xuất hiện nhiều khe hở giữa các khối bê tông, đi dưới chân cầu mà không dám ngước nhìn lên”.
Các hộ dân cho biết thêm, cây cầu khởi công tháng 3-2017 và theo kế hoạch 1 năm sau hoàn thành, nhưng phải mất 5 năm mới xong. Nút thắt giao thông dưới chân cầu thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Quá trình thi công kéo dài, dải phân cách cứng bị tháo dỡ nằm ngổn ngang tại công trường, choán không gian, lối đi vào các cửa hàng kinh doanh hai bên đường, xe cộ ra vào bốc hàng khó khăn, nhiều hộ dân đóng cửa kinh doanh vì không buôn bán được gì.
Cầu vượt Dầu Giây đã chính thức thông xe, nhưng người dân cơ quan chức năng sớm tổ chức thanh tra, kiểm tra phát hiện và khắc phục những lỗi kỹ thuật, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc.