Những chuyện bất thường như lên mạng khoe chiến tích tù tội, đi vũ trường sử dụng chất kích thích thì được không ít bạn tung hô, xem như những chuyện “bình thường ở phố huyện”.
Còn những vấn đề bình thường như chuyện đời tư của nghệ sĩ, hôm nay mặc gì, đi ăn gì, uống gì lại được các bạn đem lên mạng xã hội mổ xẻ, bình phẩm hàng ngày, hàng giờ.
Mỗi ngày ra đường, chứng kiến những vụ dàn cảnh cướp giật nhưng có mấy ai dừng xe lại giúp đỡ. Đang đi đường gặp người bị tai nạn giao thông, đa số người qua đường chỉ nhìn ngó rồi đi thẳng, bởi vì ai cũng nghĩ “không phải là việc của mình”.
Tất cả đều coi sự vô tâm của bản thân là đúng với “chuẩn mực hiện hành” của xã hội nhưng mấy ai đặt vị trí của mình vào trường hợp đó, biết đâu có một ngày bản thân mình chính là nạn nhân của những kẻ cướp đang hoành hành ngoài kia, hay nói xui, bản thân chính là người đang nằm xõng xoài giữa mặt đường nhựa nóng bỏng rát, đau đớn và không ai giúp đỡ, lúc ấy mỗi người sẽ ra sao?
Tôi còn nhớ một lần vào chiều tối trên đường 3 Tháng 2, đường sá khi đó vắng vẻ hơn ngày thường, đây cũng chính là cơ hội tốt để kẻ gian, cướp giật hoạt động. Lái xe Grab chở tôi bữa đó là một thanh niên, chừng 25, 26 tuổi.
Bỗng có tiếng hô hoán thất thanh từ phía sau: “Cướp, cướp”. Một chiếc xe máy có 2 thanh niên ngồi trên phóng lên với tốc độ nhanh, đuổi theo phía sau xe là một người phụ nữ đang gào thét trong vô vọng. Anh lái Grab tấp xe vào lề, né đường cho kẻ cướp. Khi tôi hỏi, người lái xe chỉ nói: “Không phải việc của mình, cẩn thận không lại vạ lây”… Anh giãi bày, biết đâu, lại gặp họa nếu xe hỏng, bản thân bị thương tổn thì ai lo cho vợ con. Anh nói không sai, nhưng tôi vẫn có cảm giác hụt hẫng…
Rõ ràng, việc thờ ơ, vô cảm trước mọi việc của các bạn trẻ một phần là yếu tố góp phần dung dưỡng cho cái xấu, cái ác. Thờ ơ, vô cảm không còn chỉ dừng lại là một căn bệnh của mỗi cá nhân nữa, mà ngày nay nó đã trở thành vấn nạn của toàn xã hội.
Nhìn thấy điều xấu, việc ác mà không thấy bất bình, không phẫn nộ, không bình luận. Đứng trước những câu chuyện bi thương, nỗi đau đớn của người dân mình mà không mảy may rung động, chua xót. Đứng trước cái đẹp cũng không say mê, thích thú.
Ai cũng chỉ muốn thu mình vào vòng an toàn. Thà im lặng, thà cam chịu, thà thủ thế còn hơn phải dấn thân, còn hơn gặp phiền phức. Nhưng ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, ai cũng chọn phớt lờ, không quan tâm thì ai sẽ là người dấn thân?
Câu hỏi đó không chỉ đặt ra với người trẻ mà đặt ra cả với một hệ thống xã hội, khi ở nhiều nơi, giá trị đạo đức đang bị đảo lộn, lằn ranh giữa đúng - sai mỏng manh vô cùng. Và khi không được “bảo trợ” bằng một nền tảng đạo đức xã hội, nỗi lo “bơ đi mà sống” sẽ ngày càng hiển hiện.