Nỗi lo bàn ghế đầu năm học mới

Mỗi đầu năm học, cơ sở vật chất trường lớp, trong đó có chất lượng bàn ghế, được dư luận đặc biệt quan tâm vì ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe học sinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, nhu cầu mua sắm trang thiết bị trường học đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt của các đơn vị.
Bàn ghế tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TPHCM đã trở nên chật chội với học sinh lớp 3. Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Bàn ghế tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TPHCM đã trở nên chật chội với học sinh lớp 3. Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Vận dụng linh hoạt nhiều giải pháp

Bước vào tuần lễ thứ 3 của năm học 2022-2023, nhiều trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TPHCM đã tổ chức họp phụ huynh học sinh đầu năm. Bên cạnh chất lượng nhà vệ sinh trường học, nhiều phụ huynh lo ngại về kích cỡ bàn ghế của học sinh.

Anh Dương Minh Đăng, phụ huynh có con học lớp 6 một trường THCS ở quận trung tâm TPHCM, kể, con anh gặp khó khăn về tư thế ngồi học do có chiều cao vượt trội so với các bạn trong lớp. Dù đã được giáo viên chủ nhiệm bố trí chỗ ngồi cuối lớp với không gian di chuyển rộng hơn nhưng do bàn ghế khá thấp so với chiều cao 1,65m của con anh, nên bé không thể ngồi thẳng lưng và thoải mái khi đổi tư thế.

Trước câu hỏi bố trí bàn ghế thế nào đối với học sinh có chiều cao vượt trội, ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 3, cho biết, nhà trường có thể vận dụng hình thức xã hội hóa trang bị thêm một số bộ bàn ghế cao hơn chuẩn quy định. “Mỗi năm các trường đều được phân bổ kinh phí mua sắm trang thiết bị và sửa chữa hè, nhưng phải sử dụng tiết kiệm. Do đó bàn ghế thường được tái sử dụng qua nhiều năm, chỉ thay mới đối với các trường hợp hư hỏng nặng. Kích cỡ bàn ghế hiện nay được quy định theo nhu cầu sử dụng của số đông học sinh, trường hợp đặc biệt cần giải pháp linh động giải quyết”, ông Khoa nêu ý kiến.

Theo một lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Bình Tân, báo cáo sức khỏe học sinh đầu năm ở các quận, huyện cho thấy học sinh TPHCM và các đô thị lớn có chiều cao nhỉnh hơn từ 5-10cm so với chiều cao trung bình học sinh cả nước. Trong khi đó, các quy chuẩn về bàn ghế được áp dụng chung cho tất cả tỉnh, thành nên đòi hỏi sự linh động của địa phương. Đại diện Phòng GD-ĐT quận Bình Tân đề xuất phương án trường học linh động bố trí bàn ghế của học sinh các khối cao hơn cho học sinh lớp dưới có chiều cao vượt trội.

Riêng tại quận 12, Trưởng Phòng GD-ĐT Khưu Mạnh Hùng thông tin, bàn ghế xuống cấp, hư hỏng sẽ được các trường sửa chữa, tận dụng lại, trường hợp hư hỏng nặng sẽ được thanh lý và mua mới từ một trong hai nguồn kinh phí: quỹ điều tiết cho ngành giáo dục do Phòng GD-ĐT phối hợp Phòng Tài chính tham mưu UBND quận, huyện cấp kinh phí trang bị hàng năm; hoặc cân đối từ quỹ phát triển sự nghiệp giáo dục của đơn vị.

Nghiên cứu chuẩn bàn ghế mới

Mới đây, theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM phục vụ hoạt động giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đối với tình hình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2020-2022, tỷ lệ bàn ghế đạt chuẩn ở bậc tiểu học giảm từ 95% trong năm học 2020-2021 xuống còn 52% đối với năm học 2021-2022. Ngược lại, ở cấp THPT, tỷ lệ này tăng nhẹ từ 94% lên 95%, riêng cấp THCS duy trì mức 86% qua hai năm học. 

Đầu tư bàn ghế mớitại Trường Tiểu học Nguyễn Trực, quận 8, TPHCM . Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Khoản 1, điều 4, chương 2 Thông tư liên tịch 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh các bậc học quy định: “Bàn ghế được thiết kế tối đa không quá 2 chỗ ngồi, bàn và ghế rời nhau độc lập”. Tuy nhiên trên thực tế, thống kê số liệu từ TP Thủ Đức và 21 quận, huyện cho thấy bậc tiểu học còn hơn 10.000 bộ bàn ghế, cấp THCS hơn 9.000 bộ và THPT hơn 3.000 bộ trên 2 chỗ ngồi. Một số đơn vị đang thực hiện cuốn chiếu mua sắm trang thiết bị ở các khối lớp nên vẫn còn tình trạng 3-4 học sinh ngồi chung một bàn dài, gây khó khăn cho giáo viên khi tổ chức các hoạt động làm việc nhóm cho học sinh.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, một số quy chuẩn kỹ thuật hiện nay chưa kịp thay đổi phù hợp với sự phát triển của học sinh. Theo một cán bộ Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), thời gian tới, việc bố trí kích cỡ bàn ghế cần thay đổi theo hướng bố trí bàn ghế thông minh, có thể điều chỉnh độ cao đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhiều đối tượng học sinh.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, giá thành một bộ thiết bị thông minh cao hơn gấp đôi bàn ghế gỗ thông thường. Do đó, trước áp lực tăng dân số cơ học trong khi ngân sách còn hạn chế, các trường buộc phải chọn phương án phục vụ tốt hơn nhu cầu về chỗ học cho người dân.

Đại diện nhiều quận, huyện cho biết, trong 3 năm trở lại đây, các trường dành phần lớn kinh phí mua sắm trang thiết bị cho việc bổ sung đồ dùng, thiết bị dạy học cho các khối lớp triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (hiện nay đã cuốn chiếu thực hiện ở các khối 1, 2, 3, 6, 7, 10) nên việc đầu tư thay mới bàn ghế là “quá sức”. Ngoài ra, hiện nay mỗi quận, huyện quy định cơ chế cấp kinh phí hàng năm cho cơ sở giáo dục khác nhau, có nơi phân bổ theo số lượng học sinh, có nơi bố trí kinh phí hoạt động sau khi trừ ra khoản chi trả lương cho giáo viên. Do đó, các trường phải tính toán, ưu tiên khoản chi nào cấp thiết, khoản nào bố trí lần lượt.

Tin cùng chuyên mục