Thay vào đó, họ sử dụng các túi thân thiện với môi trường hơn với giá 0,11 USD. Đặc biệt, Coles còn cung cấp các túi này miễn phí cho đến ngày 1-8 để giúp người tiêu dùng thích nghi với chính sách mới. Tuy nhiên, đến ngày 1-8, Coles bất ngờ tuyên bố sự thay đổi thói quen này là rất khó đối với khách hàng và siêu thị này sẽ cung cấp các túi ni lông dày, có thể tái sử dụng miễn phí cho khách hàng vô thời hạn. Quyết định trên khiến dư luận sôi sục chỉ trích Coles đang đi ngược lại cam kết giảm bớt rác thải nhựa của chính mình, đầu hàng trước sức ép từ các khách hàng cứng rắn.
Chính sách nói “không” với túi ni lông sử dụng 1 lần xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ riêng ở xứ sở chuột túi. Ngày 2-8, Bộ Môi trường Hàn Quốc bắt đầu đăng công báo dự thảo sửa đổi Luật Thúc đẩy tái sử dụng và sử dụng tiết kiệm tài nguyên kéo dài trong vòng 40 ngày. Dự thảo này có nội dung cấm các siêu thị trong nước sử dụng túi ni lông dùng 1 lần, hiện đang được bán với mức giá nhất định cho người mua. Bên cạnh đó, bộ trên quyết định bổ sung thêm 5 mặt hàng là túi ni lông tiệm giặt ủi, bọt biển dùng trong vận chuyển hàng hóa, túi ni lông bọc ô, găng tay ni lông dùng một lần, màng bọc thực phẩm vào danh mục các hàng hóa áp dụng cơ chế “trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất”. Một khi bị chỉ định vào danh sách áp dụng cơ chế này, nhà sản xuất sẽ phải trả một khoản phí hỗ trợ cho các công ty tái chế những chất thải liên quan tới sản phẩm. Bộ Môi trường Hàn Quốc cũng đang có kế hoạch xúc tiến phương án nâng tỷ lệ bắt buộc tái sử dụng túi ni lông, hiện đang ở mức 66%, lên 90% vào năm 2022.
Trong khi đó, lượng tiêu thụ túi ni lông đã giảm tới 86% tại 7 siêu thị lớn nhất ở Anh kể từ khi chính phủ nước này áp dụng quy định thu phí bắt buộc 0,07 USD/túi cách đây 3 năm. Còn tại Chile, cuối tháng 7 vừa qua, Tòa án Hiến pháp Chile đã phê chuẩn dự luật cấm các doanh nghiệp sử dụng túi ni lông, mở đường cho Chile trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Mỹ Latinh áp dụng biện pháp bảo vệ môi trường này... Cuộc chiến với túi ni lông đang được đẩy mạnh ở nhiều quốc gia khi mà không ít nhà khoa học cảnh báo mỗi năm có tới 8 triệu tấn nhựa bị vứt xuống các đại dương và biển. Các phân tử độc hại này sau đó lại bị cá hấp thụ và chuyển tới con người qua đường thực phẩm.