Trong đó có rất nhiều bạn đang ngồi ghế nhà trường, khi mà suy nghĩ ở lứa tuổi này chưa chín chắn, chỉ làm theo bản năng, thích kết nhóm, thần tượng ai đó đến độ mù quáng. Các bạn sẵn sàng hùa theo số đông để “ném đá”, lên án một người mà không nhận định cẩn trọng sự việc đó đúng hay sai.
Chẳng hạn khi ca sĩ S. là thần tượng của rất nhiều bạn trẻ bị tố đạo nhạc, ngay lập tức các bạn lên Facebook, Twitter, diễn đàn báo mạng đáp trả, nói những từ khó nghe, dung tục, tẩy chay truyền thông. Nghệ sĩ hài T. có hành vi không hay trong một buổi lễ trao giải thưởng danh giá nhưng vẫn được các fan tuổi teen “che chở” bằng cách nhóm người này công kích báo chí, chửi bới dư luận (những ai phê phán) trên mạng xã hội một cách thậm tệ…
Hay, một nhóm bạn chơi thân, khi một trong những thành viên đó đánh nhau với người khác, thay vì can ngăn thì họ lại nhào vô đánh hội đồng. Rất nhiều sự việc đau lòng trong giới học đường đã được báo chí đưa tin. Chỉ mới tí tuổi đầu nhưng các bạn như tay anh chị, xúm nhau đánh bạn mình không thương tiếc... Lòng từ tâm ẩn sâu trong tim ở mỗi con người bỗng dưng biến mất.
Tất nhiên kết bạn là một điều đáng được khuyến khích. Hoạt động nhóm ngoài việc sống hòa đồng, giỏi giao tiếp còn là cách tiếp nhận nhiều ý tưởng, tương trợ nhau. Tuy nhiên, cần phải tỉnh táo nhận định đúng sai, biết điều gì nên và không nên làm. Không thể biện minh theo chủ nghĩa AQ (của nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn): hay bắt nạt kẻ kém may mắn hơn mình nhưng lại sợ hãi trước những kẻ hơn mình về địa vị, quyền lực hoặc sức mạnh. Bạn bè thì có người tốt, kẻ xấu. Nên biết phân biệt để tránh rơi vào tiêu cực. Đó là lý do thành ngữ có câu “Chọn bạn mà chơi”.
Theo nhà tâm lý học người Pháp Gustave Le Bon định nghĩa “tâm lý đám đông” như sau: những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thủy, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng, họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất. Đó là một tâm lý có thiên hướng tiêu cực, vì vậy cha mẹ nên kéo con ra khỏi “bầy đàn” trước khi trẻ mất phương hướng.
Để làm được điều đó thì phụ huynh nên giám sát con, uốn nắn con mỗi ngày một ít và hướng con về những gì đạo đức, nhân văn. Cần nhớ, giám sát không có nghĩa là quản thúc, cấm túc mà cho con tự do giao lưu với bạn bè. Nhưng khi con chơi với bạn xấu, có dấu hiệu tiêu cực thì ngăn chặn kịp thời, kẻo để lâu ngày gây hậu quả khôn lường. Khuyên con nên sống có lập trường riêng, chủ động suy nghĩ để đưa ra quyết định thay vì a dua theo bạn bè. Đôi khi con cái có những quyết định không sáng suốt, nên rất cần cha mẹ điều chỉnh: sai ở đâu thì sửa chỗ đó. Sống khác biệt (nhưng không khác người) sẽ giúp trẻ năng động, làm chủ bản thân và thành công trong tương lai.