Lựa chọn nơi uy tín để mua sắm
Thời gian qua, dù cơ quan chức năng rất quyết liệt trong công tác chống hàng giả, hàng nhái… nhưng vì lợi nhuận cao nên nhiều doanh nghiệp vẫn bất chấp để kinh doanh trái phép hàng mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng, không có nguồn gốc rõ ràng.
Những năm gần đây, người tiêu dùng đã nhiều lần bàng hoàng khi giới truyền thông đưa tin về việc cơ quan quản lý phát hiện các vụ kinh doanh mỹ phẩm giả các thương hiệu lớn trên thế giới. Vì vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia hóa - mỹ phẩm, người tiêu dùng không nên ham rẻ mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Hiện tại, với sự phát triển của thương mại điện tử, hoạt động bán buôn rất dễ dàng và hoạt động trên phạm vi rộng. Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me, có tới 57% số người đã mua sản phẩm trang điểm online bởi sự “tiện lợi” (44%), “đa dạng sản phẩm” (43%) và “giá cả” (40%) của kênh mua sắm này. Shopee, Lazada và Facebook là 3 trang mua sắm mỹ phẩm online có nhiều người dùng nhất.
Các loại mỹ phẩm dễ dàng tìm mua từ chợ đến internet, thậm chí còn được bày bán đổ đống ở cả vỉa hè. Với mác ngoại và giá rẻ, người bán đánh vào tâm lý sính ngoại, sự dễ dãi và tiết kiệm của khách hàng. Dù giá 1 hộp phấn, lọ nước hoa chỉ vài chục ngàn đồng nhưng vẫn được rao là hàng nhập ngoại, chất lượng cao.
Ngày nay, người mua mỹ phẩm có lẽ càng khó khăn hơn khi phải lựa chọn trong vô vàn nhãn hàng, thương hiệu và sản phẩm. Trên internet, mỹ phẩm được rao bán đủ loại với các thông tin về xuất xứ, thương hiệu đến giá cả. Sản phẩm nào cũng được chăm chút thông tin về nguyên liệu dùng để bào chế từ thảo dược, mật ong, sáp ong, ngọc trai, tảo biển, nhau thai cừu, sữa ong chúa, ốc sên, colagen…
Cứ nghe bùi tai với các thông tin mà người bán thuyết minh, ca tụng về sự hiệu quả của sản phẩm là khách móc hầu bao mua về. Tuy nhiên, một vấn đề mà người tiêu dùng cần chú ý là dù các nguyên liệu để bào chế có ưu việt thế nào thì sản phẩm dùng được hay không còn phụ thuộc vào sự tiếp nhận của làn da cơ thể.
Tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng
Chi phí cho các sản phẩm trang điểm, làm đẹp không hề rẻ. Trên thị trường, có thể thấy các thương hiệu nổi tiếng đưa ra giá bán lên đến cả chục triệu đồng/sản phẩm, nhất là các dòng dưỡng da và không ít người tiêu dùng, nhất là giới trẻ, vẫn sẵn sàng móc ví chi trả cho nhu cầu làm đẹp.
Làn da mỗi người có yếu tố khác nhau, từ đó sản phẩm có hàm lượng và tinh chất sử dụng cũng khác nhau. Trước khi sử dụng bất cứ loại mỹ phẩm nào bôi lên làn da, cần có sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ về da liễu. Song, vì tiếc tiền nên đa phần người tiêu dùng đều chọn và sử dụng mỹ phẩm qua sự cảm nhận, đánh giá của bản thân từ các thông tin trên sản phẩm, từ hiệu quả của người quen đã sử dụng.
Với lợi nhuận lớn, mỹ phẩm là đối tượng tập trung khai thác của bộ phận kinh doanh hàng nhái, hàng giả. Người mua không có nhiều thông tin và đủ khả năng phát hiện về chất lượng sản phẩm khi chỉ nhìn hình dáng bên ngoài, dẫn đến hệ lụy rất lớn khi dùng hàng kém chất lượng, có không ít trường hợp da còn bị lão hóa, chảy xệ sau thời gian sử dụng.
Vì vậy, thay vì tin vào những lời quảng bá của mỹ phẩm bán tràn lan trên mạng, người tiêu dùng nên đến những địa chỉ uy tín để mua sản phẩm của các thương hiệu có sự bảo hành, hướng dẫn cách sử dụng.
Phát hiện nhiều vụ buôn lậu mỹ phẩm Theo Tổng cục Quản lý thị trường, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, cơ quan này đã phối hợp với nhiều đơn vị chức năng phát hiện, thu giữ hàng tấn mỹ phẩm gắn mác các thương hiệu nổi tiếng trôi nổi trên thị trường. Đơn cử như đầu tháng 4-2019, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn phát hiện hơn 70 thùng chứa gần 10.000 loại mỹ phẩm gồm dầu gội đầu, dầu xả tóc mang nhãn TiGi, Collagen, Nashi, Diva… và các loại dầu ủ, tinh dầu, sáp vuốt tóc. Theo lực lượng chức năng, đây là các loại mỹ phẩm không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, được nhập lậu từ Trung Quốc, sau đó đưa về các tỉnh để tiêu thụ. Ước tính tổng giá trị số hàng hóa lên đến hàng trăm triệu đồng. Trước đó không lâu, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn cũng thu giữ trên 7.700 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu và 180 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Chanel. Ở tỉnh Lào Cai, cơ quan chức năng địa phương cũng phát hiện hơn 3.000 lít dầu gội đầu và dung dịch tẩy rửa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện toàn bộ số hàng hóa trên được đóng trong can, thùng nhựa. Còn tại Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 27 phối hợp với Đội 2, Phòng An ninh kinh tế (Công an Hà Nội) kiểm tra ô tô 29C-65293 tại cửa phía Nam ga Giáp Bát (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), phát hiện trong thùng xe có 2.660 lô kem dưỡng da các loại và 60 thùng hàng hóa các loại do nước ngoài sản xuất; chủ xe này không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc… NGỌC SỬ |