Nỗi khổ nhà đất - Bài 3: Giá đền bù chưa thỏa đáng

Sau mỗi lần khiếu nại thì mức bồi thường lại tăng lên, nhưng cuối cùng cũng với hồ sơ đó, qua đời lãnh đạo khác số tiền bồi thường lại tụt xuống thấp hơn mức ban đầu!?

Gần 250m² đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TPHCM) bị giải tỏa từ năm 2003, đến nay gần 15 năm mà gia đình ông Lê Hoàng Phát vẫn còn mang đơn khiếu nại khắp nơi. Lạ là sau mỗi lần khiếu nại thì mức bồi thường lại tăng lên, nhưng cuối cùng cũng với hồ sơ đó, qua đời lãnh đạo khác bỗng xác định lại số tiền bồi thường tụt xuống thấp hơn mức ban đầu!?

Muốn bồi thường, phải “cưa”?

250m² đất nói trên do mẹ ông Phát mua và cho ông cất nhà ở từ năm 1990 đến khi bị giải tỏa. Năm 2003 quận 2 tiến hành giải tỏa, trong quyết định bồi thường quận xác định chỉ 37m² đất ở (sử dụng trước năm 1993, được bồi thường 1,99 triệu đồng/m²) và 213m² còn lại là đất nông nghiệp (chỉ 150.000 đồng/m²). Không đồng ý vì đất này gia đình ông đã cất nhà ở ổn định nhưng lại không được xác định là đất ở, nên ông khiếu nại. Một năm sau (năm 2004), UBND quận 2 xác định lại đấy là đất ở trước năm 1993, nhưng theo quy định hạn mức đất ở của mỗi hộ không quá 200m² nên quận điều chỉnh bồi thường cho ông 200m² đất ở với giá 1,99 triệu đồng/m², còn 50m² vượt hạn mức thì bồi thường theo giá đất nông nghiệp 150.000 đồng/m².

Tuy nhiên, quyết định bồi thường lại “quên” tái định cư cho gia đình ông. Vì theo Điều 13 Quyết định 135/2002/QĐ-UB của UBND TP quy định hộ nào có diện tích trên 100m² đất mặt tiền hoặc trên 140m² đất không phải là mặt tiền mà giải tỏa trắng thì được bố trí bằng một nền đất hoặc tái định cư bằng căn hộ chung cư. Do vậy, gia đình ông Phát lại tiếp tục khiếu nại đòi tái định cư. Thế là đến năm 2009, Hội đồng bồi thường tính lại, đảo 100m² đất trước đây được xác định là thổ cư thành đất nông nghiệp và chỉ 37m² đất còn lại là đất thổ cư để giảm phần tái định cư của ông - quy ra thành 37m² chung cư! Như vậy, ngoài căn hộ 37m², ông được bồi thường bằng tiền là 123 triệu đồng. Quá bất hợp lý vì thay đổi mục đích sử dụng đất của ông nên ông lại vác đơn khiếu nại tiếp.

Không những không giải quyết khiếu nại, bỗng dưng UBND quận 2 còn ban hành quyết định điều chỉnh quyết định trước với nội dung hạ mức bồi thường bằng tiền xuống còn 51 triệu đồng! Gia đình ông cho rằng, sở dĩ có việc bồi thường “thụt lùi” này là do cán bộ quận đề nghị “cưa” phần trăm nhưng gia đình ông không đồng ý, do vậy đã tham mưu gây khó. 

Ông lại tiếp tục khiếu nại lên UBND TP. Vì sự thật gia đình ông đã sống tại mảnh đất trên từ năm 1990 và dù trong Văn bản số 2171 của UBND TPHCM năm 2013 hướng dẫn trường hợp không có giấy tờ xác nhận thời điểm sinh sống thì phải có “xác nhận của UBND phường - xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất, thu thập ý kiến của người cùng cư trú thời điểm đó”, nhưng UBND quận 2 trả lời: Do địa bàn khu Thủ Thiêm đã giải tỏa toàn bộ nên quận không thể lấy ý kiến người dân để xác định thời điểm gia đình ông Phát ở được.

Thế là vợ chồng ông lại chạy vạy lên phường xin xác nhận, đi tìm những hộ dân ngày xưa sống lân cận nay đã đi tứ tán để xin xác nhận… Việc không tưởng đó đã được vợ chồng ông đi lại hàng năm trời, cuối cùng quận lại hướng dẫn ông… kiện ra tòa! 

Ông lại vác đơn ra tòa, nhưng tòa trả lời đã hết thời hiệu. Ông lại kiện lên TP, TP xác định lỗi hết thời hiệu là do “lỗi của quận”, nhưng rồi vẫn hướng dẫn ông tiếp tục kiện ra tòa… Và giờ đây, ông đang bị mắc kẹt, quận hướng dẫn ra tòa, tòa không nhận, lỗi được xác định là do UBND quận 2, nhưng không ai chịu trách nhiệm!

Nhiều tháng trước vợ chồng ông Phát đến gặp PV Báo SGGP, bà bệnh ung thư đã yếu, chỉ mong muốn nhận được bồi thường hợp lý để có điều kiện chữa bệnh. Giờ hay tin bà đã mất. Sau 15 năm lặn lội khiếu nại, cuối cùng mức bồi thường chỉ 150.000 đồng/m², trong khi khu đô thị Thủ Thiêm giờ đây mỗi mét vuông đất được tính với giá gần trăm triệu đồng.


4.000m² không đổi được một chỗ ở

Năm 2006 mấy trăm hộ dân được xã thông báo giải tỏa để làm khu công nghiệp Long Hậu - Hòa Bình (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Mức giá mà Công ty Cơ sở hạ tầng Hòa Bình (chủ đầu tư) đưa ra để bồi thường cho bà con ở đây chỉ 60.000 đồng/m². Và tỉnh còn ấn định chỉ những hộ bị giải tỏa trên 5.000m² mới được cấp cho một lô tái định cư.

Bà con nơi này nhiều năm liền gửi đơn khắp nơi khiếu nại về đơn giá bồi thường. Bà con thắc mắc, đất giải tỏa để phục vụ cho công nghiệp thì tại sao không bồi thường theo giá thị trường. Tại sao nhà nước lại cho công ty tư nhân bồi thường cho dân ấn định theo khung giá nhà nước, nhưng sau đó khu công nghiệp nhận đất lại được quyền cho doanh nghiệp khác thuê lại theo giá thị trường. Có nghĩa là chủ đầu tư được hưởng lợi từ việc khống chế giá bồi thường cho dân (chi phí đầu vào thấp), nhưng lại không bị khống chế giá “đầu ra”. Như vậy, người dân là người chịu thiệt, còn chủ đầu tư thì được hưởng lợi.

Hầu hết bà con ở đây nhiều đời canh tác trên mảnh đất này, ai cũng có sổ đỏ, nhưng nhà nước ấn định khung giá bồi thường quá thấp, sau khi giải tỏa xong, tiền bồi thường không thể mua lại đất khác để canh tác. 

Ông Nguyễn Văn Minh, có đất bị giải tỏa, cho biết tất cả tài sản của nhà ông chỉ có 4.700m² mặt tiền lộ sỏi đỏ nhưng khi giải tỏa vẫn không đủ tiêu chuẩn để đổi lại một nền đất để ở (vì tỉnh quy định trên 5.000m² mới được đổi 1 nền). 

“Mỗi mét vuông đất chỉ bồi thường vài chục ngàn đồng, chúng tôi không thể mua được gì với số tiền đó. Giờ chúng tôi cũng không còn đất để canh tác. Rõ ràng, việc công nghiệp hóa này đã đẩy người dân vào đường cùng…”, ông Nguyễn Văn Minh bức xúc. 

Trả lời vấn đề này, ông Huỳnh Văn Tươi, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh Long An, lý giải: Tỉnh Long An xác định dự án khu công nghiệp là dự án công trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh nhà nên dự án khu công nghiệp được xác định là công trình phúc lợi xã hội, vì vậy tỉnh áp giá bồi thường theo khung giá nhà nước. Và mức giá bồi thường 60.000 đồng/m² này là áp tại thời điểm ban hành quyết định thu hồi đất năm 2006 - dù đến nay vẫn chưa thực tế thu hồi đất, nhưng vẫn áp giá tại thời điểm đó. Việc bà con so sánh vì sao dự án Khu công nghiệp Nhật Tân cũng giải tỏa cùng thời điểm nhưng được bồi thường đến 170.000 đồng/m², ông Tươi giải thích do dân khiếu kiện, tòa xác định chính quyền có sai nên phải hủy quyết định cũ, giờ ban hành lại quyết định mới thì phải áp lại giá tại thời điểm ban hành mới, do vậy giá cao hơn! Ông Tươi cũng thừa nhận, hiện nay quy định về đền bù giải tỏa có nhiều bất cập, do vậy đến 70% khiếu nại về đất đai ở tỉnh là khiếu nại về giá bồi thường giải tỏa ở các dự án!

Tin cùng chuyên mục