Đây là những vấn đề đã tồn tại nhiều năm của ngành giáo dục, diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước nhưng chưa có biện pháp xử lý mạnh tay từ cơ quan quản lý.
Mới đây, một số địa phương như TP Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Phú Thọ… đã có chỉ đạo quyết liệt liên quan đến việc chấn chỉnh hoạt động liên kết giữa trường học và các trung tâm ngoại ngữ, tin học, đơn vị tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống.
Tại TPHCM, dư luận phản ánh về tình trạng một số trường tiểu học, THCS, THPT gộp chung thời khóa biểu môn học chính khóa với chương trình ngoại khóa, bổ trợ kỹ năng có thu tiền của phụ huynh. Việc đan xen giờ học, thậm chí nhập nhằng trong cách gọi tên các môn học khiến phụ huynh không thể phân biệt đâu là chương trình chính khóa (học sinh bắt buộc phải hoàn thành để đủ điều kiện lên lớp) và chương trình ngoại khóa (do nhà trường tổ chức, không bắt buộc học sinh tham gia). Nhiều phụ huynh không có nhu cầu cho con học nhưng vẫn “bấm bụng” đăng ký vì lo sợ con bị bạn bè cô lập, không có ai trông giữ trong thời gian các bạn học ngoại khóa vì “cả lớp đều học, con mình không thể không học”.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) Thái Văn Tài khẳng định, việc các trường gộp chung giờ học các môn ngoại khóa vào thời khóa biểu chính khóa là sai quy định. Tuy nhiên, trong điều kiện số lượng phòng ốc còn hạn chế, nhiều trường đối mặt với bài toán thiếu giáo viên thì việc bố trí giờ học các môn ngoại khóa sao cho hợp lý lại không được cơ quan quản lý nói đến.
Lãnh đạo một sở GD-ĐT địa phương nêu thực tế, toàn ngành đang đẩy mạnh chủ trương giáo dục toàn diện, tăng cường các hoạt động thực hành như STEM (tích hợp các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học), kỹ năng sống, tăng cường tiếng Anh, Tin học…, không ai phủ nhận yêu cầu quan trọng và cần thiết của các hoạt động nói trên. Tuy nhiên, hướng dẫn về thời lượng triển khai, kinh phí tổ chức còn bỏ ngỏ khiến hoạt động mang tên tự nguyện, tổ chức theo nhu cầu của phụ huynh. Nói thì dễ nhưng khi bắt tay vào thực hiện, trường học phải tính toán bố trí sao cho đủ phòng ốc, sắp xếp thời khóa biểu đảm bảo đủ định mức tiết dạy cho giáo viên.
Hiện nay, ngành giáo dục đẩy mạnh trao quyền tự chủ cho các trường học, trong đó giáo viên được chủ động, linh hoạt triển khai phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh. Cơ quan quản lý cần rà soát, chấn chỉnh các đơn vị không thực hiện đúng mục tiêu giáo dục toàn diện, gây quá tải cho học sinh chứ không nên quy định “cứng nhắc” số tiết/một ngày học, tỷ lệ giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến bởi các yêu cầu này phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện đặc thù của từng đơn vị. Nói cách khác, công tác quản lý cần tập trung ở chất lượng đầu ra của học sinh, tránh sa đà vào việc “cầm tay chỉ việc” khiến các trường thực hiện đối phó, không mang lại lợi ích thực chất cho học sinh.