Cuộc đua chưa có hồi kết
Cách đây không lâu, nhiều đơn vị xuất bản trong nước như First News, Đông A, Alpha Books, NXB Trẻ… đã đồng loạt lên tiếng về tình trạng nhiều ấn phẩm của mình bị làm giả và rao bán trên rất nhiều Fanpage. Điển hình như bộ sách của Mario Puzo do Đông A giữ bản quyền dịch và in thương mại tại Việt Nam nhưng trên thị trường vẫn xuất hiện một số ấn bản các tác phẩm của Mario Puzo không do Đông A phát hành, hoặc làm giả, làm nhái các ấn bản của Đông A.
Một trong những đơn vị buôn bán sách giả có thể kể đến là Fanpage Ngôi nhà tri thức. Điều đáng nói là đơn vị này đã nâng giá bán của bộ sách Mario Puzo gần gấp đôi, từ giá bìa chính thức là 610.000 đồng lên 1.192.000 đồng, sau đó tuyên bố giảm giá bán thanh lý kho xuống còn 499.000 đồng.
Mới đây, NXB Kim Đồng cũng phát đi thông tin về việc nhiều lần phát hiện những cuốn sách của mình bị làm giả, in lậu với số lượng lớn, chất lượng kém. Đó là bộ sách văn học kinh điển Kính vạn hoa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, các bộ truyện tranh Doraemon, Thám tử lừng danh Conan…
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng, cho biết: “Hầu hết những đầu sách hot của Kim Đồng đều bị in lậu hết. Chúng tôi có đội phản ứng nhanh, giúp kiểm tra và báo cáo tình trạng sách giả. Trước đây, thỉnh thoảng mới có vài đầu sách thuộc thể loại comic bị làm giả, nhưng đợt vừa rồi bán online rất mạnh nên mọi người đặt mua về để xem thì thấy toàn là sách giả. Ngoài ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, sách giả cũng đã và đang gây ra không ít tổn thất cho chúng tôi. Chưa thể thống kê nó tác động trực tiếp đến bao nhiêu nhưng rõ ràng đợt dịch vừa qua, doanh thu của Kim Đồng đã giảm 40%. Vì vậy, chúng tôi lên tiếng với mong muốn cùng các đơn vị khác tìm kiếm giải pháp cho tình trạng này”.
Ngoài trang Ngôi nhà tri thức, các đơn vị cũng đã lần lượt “vạch mặt” nhiều trang khác như: Sách gối đầu giường, Sách của bạn, Tủ sách của bạn, Bách khoa thư làm giàu… Điểm chung của những trang này là tập trung quảng cáo cùng thông điệp bán sách xả kho với chương trình giảm giá “khủng”. Thậm chí có những trang bán đồng giá từ 5.000 đồng/cuốn hoặc mua 10 cuốn tặng 1 cuốn, cộng thêm miễn phí giao hàng.
Để một cuốn sách được ra đời, các đơn vị phải bỏ một số tiền rất lớn, gồm tiền tác quyền, dịch thuật, thiết kế, in ấn… Một cuốn sách thật lãi khoảng 15% hoặc chưa tới. Còn một cuốn sách giả, dù có giảm giá bao nhiêu cũng là lãi đậm vì chỉ tốn tiền cho khâu in ấn. Vậy nên, theo những người trong giới, làm sách giả một vốn 4 lời.
Theo thống kê của First News, hiện tại có 65 Fanpage bán sách giả. Ngay trên Lazada, đơn vị này cũng phát hiện ra có khoảng 30 gian hàng bán sách giả. “Cuốn sách Đắc nhân tâm cả thật lẫn giả đang có 19 phiên bản khác nhau. Chúng tôi bước một bước thì dân sách lậu cũng bước thêm một bước. Ngày xưa bìa màu đen, họ cũng làm bìa màu đen; sau đó làm tay gấp, họ cũng làm tay gấp; đến lúc ép nhũ, họ cũng ép nhũ. Và hiện tại, nếu chỉ nhìn lướt qua thì không phân biệt được, trừ khi mở sách ra, xem chất lượng giấy mới có thể nhận biết đâu là sách giả, sách thật; còn bìa được làm rất tinh vi. Điều này có nghĩa là chúng tôi đang phải chạy đua cùng với họ”, ông Nguyễn Luận, Trưởng phòng Bản quyền của First News, ngao ngán.
Trông chờ vào bạn đọc
Không phải đến lúc này sách giả mới lộng hành, mà từ chục năm trước, nhiều cửa hàng sách trên các con đường ở Hà Nội như Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Đường Láng… ngang nhiên bày bán sách giả. Còn hiện nay, sách giả ngày một tinh vi hơn và độ phủ sóng càng ngày càng lớn hơn. Từ các sàn TMĐT như Shopee, Sendo, Lazada, Tiki cho đến các trang Facebook, Fanpage đều được phát hiện có sách giả. Chưa kể, hiện đang có hàng trăm trang chuyên cung cấp sách điện tử và sách nói không có bản quyền.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên cho biết, trong các cuộc họp giao ban giữa Cục Xuất bản hay Bộ TT-TT, cùng với các đơn vị khác như Nhã Nam, First News, NXB Kim Đồng cũng lên tiếng nhiều về vấn đề chế tài, các hình thức phòng chống sách giả, sách lậu. Tuy nhiên, bà Quỳnh Liên thừa nhận đang cảm thấy bế tắc trước tình trạng này. “Biện pháp chế tài hiện nay còn quá nhẹ. Mức phạt chỉ hơn 20 triệu gì đó thôi, trong khi cả một kho sách giả trị giá hàng tỷ đồng. Vậy nên, một mặt mình phải đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tuyên truyền trên các kênh online nhưng mặt khác tôi nghĩ là cũng phải sống chung với nó”.
"Để in 2.000 cuốn sách phải tốn cả trăm triệu đồng nhưng chỉ bán được 200 cuốn, còn lại là bị in lậu. 1.800 cuốn sách đó nói lên thiệt hại cụ thể. Nhưng một thiệt hại vô cùng lớn là những người làm sách chân chính không dám đầu tư nữa. Vì đầu tư vào những cuốn bán chạy, tốn rất nhiều tiền thì lập tức bị in lậu. Thêm một thiệt hại nữa là lòng tin của người dân đối với ngành xuất bản, đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng bị hao mòn. Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải hiệp lực lại để tiếp tục đấu tranh", Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam |
Theo ông Nguyễn Luận, có một vấn đề mà trong các cuộc chiến sách lậu, sách giả đang bỏ qua, đó chính là độc giả. “Câu hỏi đặt ra: Tại sao vẫn có sách lậu? Đơn giản vì vẫn có nhu cầu. Tại sao tôi có thể đọc một cuốn sách với chất lượng tương đương nhưng giá rẻ hơn 1/3? Có nghĩa là vẫn có nhu cầu, và số lượng này cũng không hề nhỏ. Điều này cho thấy ý thức sử dụng sản phẩm có bản quyền của người Việt còn rất kém”, ông Luận nói.
Sở dĩ người ta lựa chọn mua sách giả là vì giá cả và độ thuận tiện. Đây chính là gốc rễ của vấn đề. “Chỉ có cách là truyền thông mạnh hơn để người ta có ý thức hơn, để thấy được việc mua một cuốn sách giả là hành động tiếp tay cho sách không bản quyền và là hành động phi pháp. Thêm vào đó, chất lượng sách giả dù sao cũng không thể bằng sách thật. Tôi cho rằng chúng ta cần đánh vào ý thức của người đọc nhiều hơn”, bà Quỳnh Liên phát biểu.