Chỉ sau 5 năm đi vào hoạt động, trung tâm ấy đã mời về cho Việt Nam gần 4.500 nhà khoa học tầm cỡ thế giới, trong đó có 13 người đoạt giải Nobel. Phố biển Quy Nhơn trở thành nơi hội tụ những tinh hoa của thế giới...
Từ một tấm lòng…
10 năm trước, GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, cùng phu nhân ông là GS Lê Kim Ngọc, Chủ tịch Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam tại Pháp, “gõ cửa” UBND tỉnh Bình Định, ngỏ ý muốn xây dựng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại TP Quy Nhơn.
Gặp trực tiếp lãnh đạo tỉnh Bình Định, GS Trần Thanh Vân trình bày: “Đây là trung tâm mà hàng năm sẽ có những nhà khoa học tầm cỡ trên thế giới hội tụ về để trao đổi, nghiên cứu, phát triển những lĩnh vực khoa học. Trong đó có khoa học chuyên sâu về vật lý, vũ trụ học, tinh vân học... Vợ chồng chúng tôi có một món tiền dành dụm khoảng 2 triệu USD. Chúng tôi sẽ kêu gọi sự giúp đỡ từ bạn bè làm khoa học trên thế giới để vận hành trung tâm này”. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà khi đó rất vui mừng. Sau đó, ông Vũ Hoàng Hà tức tốc ra Hà Nội, xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương để xúc tiến ý tưởng của GS Trần Thanh Vân.
...10 năm sau, giữa thung lũng bụi dại và đầy cổ tích Quy Hòa, Trung tâm ICISE đứng lên sừng sững đầy hào quang và hy vọng. Chỉ 5 năm đi vào hoạt động (từ năm 2013), ICISE đã tổ chức trên 45 hội thảo khoa học quốc tế và 16 trường khoa học chuyên đề, với sự tham gia của 4.500 nhà khoa học quốc tế, trong đó có 13 người đoạt giải Nobel, 2 giải Fields (được coi là giải Nobel trong toán học), 2 giải Kavli (giải thưởng cao nhất ở lĩnh vực thiên văn học) và 1 giải thưởng vật lý Dirac (giải thưởng danh giá nhất trong ngành vật lý lý thuyết)…
Ngoài ra, ICISE còn tổ chức nhiều khóa học, lớp học chuyên đề cho các học viên ở châu Á; các buổi thuyết trình khoa học đại chúng; các buổi giao lưu trực tuyến, trực tiếp giữa các học sinh, sinh viên với các giáo sư đoạt giải Nobel.
Hiện, ICISE có 1 viện nghiên cứu khoa học và giáo dục liên ngành (Ifirse). Viện này đã thành lập 2 nhóm khảo cổ trẻ tại Việt Nam về vật lý thiên văn, vật lý lý thuyết và một nhóm về vật lý neutrino.
GS Đàm Thanh Sơn (công tác tại Đại học Chicago, Mỹ), người vừa đoạt Huy chương Vật lý Dirac 2018, kể: “Trước năm 1992, những người trẻ như chúng tôi vẫn chưa có cơ hội để tiếp xúc với các giáo sư, nhà khoa học ở nước ngoài. Đến năm 1993, Hội Gặp gỡ Việt Nam và GS Trần Thanh Vân đã bắt đầu tổ chức một hội nghị tại Hà Nội, thu hút hàng trăm nhà vật lý nổi tiếng trên thế giới. Hội nghị đã cho tôi được mở rộng tầm nhìn, có cơ hội gặp gỡ, kết bạn với cộng đồng khoa học thế giới… Trung tâm ICISE do vợ chồng GS Trần Thanh Vân sáng lập điều hành đã làm cho chúng tôi thấy về sự tồn tại của một sáng kiến khoa học có thể thành công ở Việt Nam, cho tôi tin tưởng, hy vọng vào một tương lai hết sức tươi sáng của ngành vật lý nước nhà…”.
Giấc mộng Princeton ở Việt Nam
Ở nước ngoài, GS Trần Thanh Vân cũng là người đã sáng lập, điều hành các tổ chức Gặp gỡ Moriond (năm 1966, tại làng Moriond, trên dãy núi Alpes, giáp ranh biên giới giữa Pháp và Italy) và sau đó là Gặp gỡ Blois (năm 1989, TP Blois, miền Trung Pháp), đã tập hợp, kết nối được hàng chục ngàn nhà khoa học trên thế giới. Lần nào gặp, chúng tôi đều nghe ông nhắc đến câu chuyện ở một thành phố có tên là Princeton (bang New Jersey, Mỹ).
Ông chia sẻ: “Tôi có một ước nguyện lớn lắm! Làm sao biến Quy Nhơn trở thành Princeton ở Việt Nam. Làm sao đưa những tinh hoa của khoa học thế giới về đây, đóng góp cho sự nghiệp khoa học và giáo dục của đất nước. Princeton là một thành phố nhỏ ở Mỹ, có Viện Princeton mà hiện không có viện nào trên thế giới tốt hơn…”.
Đầu tháng 5-2018, đến thăm và làm việc với ICISE, lắng nghe nguyện vọng của GS Trần Thanh Vân và đề xuất của UBND tỉnh Bình Định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương, nguyên tắc để Bình Định xây dựng một Khu đô thị Khoa học và giáo dục. Thủ tướng kêu gọi các bên cần phấn đấu xây dựng đô thị, tiến tới thành phố khoa học đầu tiên của Việt Nam. Chính phủ sẽ lắng nghe những đề xuất, ý kiến cụ thể và tạo điều kiện cho dự án đạt được mục tiêu. Thủ tướng mong muốn, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 của đất nước, Hội Gặp gỡ khoa học Việt Nam cần nỗ lực để cùng đất nước đi trên “con tàu 4.0” bền vững, đạt thành tựu to lớn.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: địa phương đã quy hoạch một khu đất 242ha để làm Khu đô thị Khoa học Quy Hòa. Trong đó, phần lõi là Trung tâm ICISE liên kết với các làng khởi nghiệp, khu đổi mới sáng tạo, khu tổ hợp không gian khoa học với nhà mô hình vũ trụ, viện nghiên cứu khoa học cùng các trường đào tạo kỹ sư chất lượng cao; khách sạn “Vì Khoa học”…