Nới hạn mức tín dụng, doanh nghiệp vẫn than khó

Khoảng 15 ngân hàng thương mại vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room (hạn mức) tín dụng, nhưng với mức tăng “nhỏ giọt” vẫn chưa thể thỏa cơn “khát vốn” của thị trường sau thời gian dài chời đợi.
Giao dịch tại ngân hàng ở TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Giao dịch tại ngân hàng ở TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Giải ngân nhỏ giọt 

Mới đây, dựa trên đơn đề nghị của các ngân hàng thương mại (NHTM) và căn cứ điểm xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua các yếu tố như giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, cơ cấu tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tham gia hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém…, các NHTM vừa được cấp thêm room tín dụng từ 1-4%. Trong đó, các NHTM nhà nước có mức tăng cụ thể như: Agribank tăng 3,5% (tương đương 50.000 tỷ đồng); Vietcombank tăng 2,7% (khoảng 26.000 tỷ đồng); VietinBank và BIDV tổng cộng được nới room thêm gần 20.000 tỷ đồng; MB tăng 3,2% (12.000 tỷ đồng). Các NHTM khác được tăng ở mức khoảng 1% đến 3%, tương đương với mức tín dụng trên 10.000 tỷ đồng đối với NHTM có quy mô tín dụng vừa và lớn, còn các NHTM có quy mô tín dụng nhỏ được tăng ở mức 1.000-3.000 tỷ đồng.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã đạt 9,91%. Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, trong 4 tháng cuối năm, dự kiến sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng được phân bổ cho các NHTM. Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng việc cấp thêm room đợt này sẽ phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng sau một thời gian dài “khát vốn”. Tuy nhiên, mức tín dụng còn lại được đánh giá là sẽ khó đáp ứng hết nhu cầu vốn, khi doanh nghiệp bước vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Thực tế cho thấy, sau nhiều ngày được nới room tín dụng, vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp được giải ngân vốn, mặc dù hồ sơ vay đã hoàn tất vài tháng trước. Nhiều NHTM cho biết, vẫn chưa nhận hồ sơ vay mới mà chỉ tập trung giải quyết các hợp đồng đã ký nhưng chưa được giải ngân. Ông N.M.D., giám đốc một công ty xăng dầu, kể, ông vừa được Ngân hàng BIDV giải ngân thêm 2 tỷ đồng - số tiền ông đã bị ngân hàng “ngắt” bớt vào thời điểm 2 tháng trước khi đáo hạn hợp đồng vì không còn room. “Lãi suất hiện đã tăng khoảng 0,5% so với trước đây, nhưng miễn có dòng vốn để xoay xở cũng là tốt hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh doanh xăng dầu trong nước biến động mạnh, tôi đăng ký vay thêm 3 tỷ đồng nhưng ngân hàng cho biết vẫn chưa giải quyết vì đang tập trung giải ngân cho những doanh nghiệp đã được ký cam kết trước đó”, ông D. nói. Nhiều doanh nghiệp trong ngành xăng dầu cũng cho biết đã làm hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng khác như HDBank, VIB… vẫn chưa được ngân hàng giải ngân, vì các ngân hàng thông báo đang giải quyết hồ sơ theo thứ tự. 

Không chỉ các doanh nghiệp chờ vốn mà không ít người vay tiền mua nhà cũng gặp khó khăn. Chị H.K. (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, cách đây 4 tháng, chị làm hồ sơ vay tại một NHTM nhà nước với mức lãi suất cho vay ưu đãi trong năm đầu tiên ở mức 8,7%/năm, nhưng chưa được giải ngân vì ngân hàng hết room. Sau khi ngân hàng được nới room, chị đến hỏi thì ngân hàng cho biết lãi suất mua nhà đang áp dụng ở mức 12%/năm, trong 2 năm đầu được vay ở mức 9,5%/năm. Tuy nhiên, ngân hàng phải xét duyệt lại rồi mới trả lời chị vì dư địa tín dụng được nới không nhiều.

Ngân hàng thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng sau một thời gian dài khát vốn. Ảnh: HOÀNG HÙNG


Ưu tiên vốn sản xuất kinh doanh 


Giới chuyên môn nhận định, đợt cấp room tín dụng vừa qua, có thể cơ quan điều hành vẫn chưa sử dụng hết room tăng trưởng của cả năm là 14% và NHNN có thể sẽ phân theo nhiều đợt trong thời gian sắp tới. Đa số các NHTM được tăng vốn đều cho biết, sẽ ưu tiên vốn cho vay ở những lĩnh vực ưu tiên và ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế. 

Lãnh đạo Vietcombank thông tin, để được nới thêm 2,7% dư nợ tín dụng lên mức tối đa đến cuối năm 2022 là 17,7%, Vietcombank phải được xếp hạng tín nhiệm A (tốt) của NHNN. Theo đó, với khoảng 26.000 tỷ đồng cho vay từ nay đến cuối năm, Vietcombank sẽ tiếp tục kiểm soát tín dụng và ưu tiên tăng trưởng vào những lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ nhằm kiểm soát tốt thanh khoản, rủi ro tín dụng và đảm bảo nợ xấu ở mức thấp. 

Là NHTM tư nhân được nới room cao nhất lần này (ở mức 4%), nâng tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên 11%, từ nay đến cuối năm, Sacombank có thêm khoảng 15.000 tỷ đồng để cho vay. Lãnh đạo một NHTM khác được tăng tín dụng trên 3% cũng cho hay, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh vào dịp cuối năm thường rất cao, chưa kể nhu cầu vốn tiêu dùng cũng tăng, nên với room tín dụng vừa được phân bổ khó lòng đáp ứng được nhu cầu vốn trên thị trường. “Trong trường hợp không được nới room tiếp, ngân hàng cũng phải xoay xở trong dư địa còn lại bằng cách tăng cường thu hồi các khoản nợ đã đến hạn để mở rộng dư địa cho tín dụng mới, chọn lọc lại đối tượng cấp vốn. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, bán chéo sản phẩm, kinh doanh bảo hiểm… để tăng nguồn thu ngoài lãi”, người này cho hay. 

Trao đổi với PV Báo SGGP, nhiều NHTM nhỏ vẫn chưa được tăng vốn trong đợt này cho biết sẽ điều chỉnh danh mục cho vay hiện tại, giảm dư nợ với một số khách hàng là doanh nghiệp lớn vay lãi suất thấp để chuyển sang cho vay cá nhân có mức lãi suất cao hơn nhằm đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

* Ông ĐÀO MINH TÚ, Phó Thống đốc Thường trực NHNN: Ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Với mục tiêu duy trì tỷ lệ lạm phát dưới 4%, tăng trưởng GDP từ 6%-6,5% trong năm 2022, NHNN đã tính toán, cân nhắc và đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%. Hiện tại kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ cao nhất. Đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng là 9,91%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, và các ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức được giao trong đầu năm. Vì vậy, việc cấp thêm hạn mức tín dụng đợt này sẽ phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm.

NHUNG NGUYỄN
-----------------------------------

Áp lực tăng tỷ giá, khó nới room tín dụng

Trong tháng 8-2022, tỷ giá USD/VND tiếp tục xu hướng tăng, với tỷ giá trung tâm đóng cửa tháng tăng lên 23.219 đồng/USD (tăng 0,19%), tỷ giá bình quân các ngân hàng niêm yết lên 23.451 đồng/USD (tăng 0,46%). 

Trong ngày 13-9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.244 đồng/USD, giảm 9 đồng so với phiên trước. Đây là phiên giảm thứ ba liên tiếp của tỷ giá trung tâm, với tổng mức giảm là 35 đồng. Tuy nhiên, trong tuần trước, NHNN đã tăng tỷ giá giao ngay lên 23.700 đồng/USD. Thêm vào đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh, với lãi suất cho vay qua đêm lên đến 5,44%. Suốt vài tháng qua, NHNN đã phải liên tục bán ngoại tệ, tăng lãi suất trên thị trường mở (OMO)  để “kìm” tỷ giá, khiến kho dự trữ ngoại hối giảm đáng kể. Theo thống kê của các công ty chứng khoán, NHNN đã bán ra khoảng 21 tỷ USD từ đầu năm 2022 từ nguồn dự trữ ngoại hối, tương đương 19% tổng dự trữ, nhằm ổn định tỷ giá USD/VND và lãi suất. Động thái này đã đưa dự trữ hiện tại ở mức khoảng 89 tỷ USD và đã giảm tỷ lệ bao phủ nhập khẩu xuống còn khoảng 12 tuần, vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. 

Lý giải nguyên nhân khiến tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng tăng “nóng”, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho biết, do USD trên thế giới tăng giá và áp lực Fed tăng lãi suất, thanh khoản hệ thống ngân hàng không còn dồi dào. Dù tình hình chưa đáng ngại nhưng NHNN chưa thể nới thêm hạn mức lên trên 14%, do phải cân đối nhiều mặt, nhất là lạm phát và thanh khoản. Bài toán khó nhất của NHNN hiện nay là phải vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế. 

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị phá giá VND, nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu có ý kiến ngược lại. Việc VND bị phá giá sẽ làm cho các doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn. Theo NHNN, trong lịch sử, Việt Nam đã phải trải qua nhiều giai đoạn lạm phát tăng cao, tỷ giá biến động mạnh, ngân hàng “đua” lãi suất, đứng trên bờ vực thanh khoản… Bài học cho thấy, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối là điều quan trọng nhất để nền kinh tế hồi phục nhanh, bền vững. Đây chính là lý do khiến NHNN tung ra nhiều giải pháp để ổn định thị trường ngoại tệ trong thời gian qua. Mặc dù tỷ giá đang có dấu hiệu căng thẳng, nhất là thời điểm Fed tăng lãi suất tháng 9-2022 sắp đến gần, song giới chuyên gia cho rằng, cuối năm nay, lãi suất của Fed đạt đỉnh, sau đó sẽ hạ nhiệt khiến áp lực với tỷ giá trong nước giảm dần. Chưa kể, cuối năm nay, dòng vốn FDI giải ngân mạnh hơn, kiều hối cũng tăng mạnh... sẽ bổ sung nguồn cho dự trữ ngoại hối. Nền kinh tế phục hồi tốt và lạm phát được kiểm soát hiệu quả cũng hỗ trợ tích cực cho tỷ giá.
MINH HUY

Tin cùng chuyên mục