
Vài dòng giới thiệu Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: TRÚC CHI |
Những ngày tháng cuối năm Mậu Tý – 2008, tôi từ Tòa Thánh Bến Tre về quê nhà xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc để dự lễ giỗ kỷ niệm thân sinh. Đi ngang qua đình Chánh Thôn, chùa Tôn Thạnh, nơi xây đình dựng bia lưu niệm nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu cũng như bia lưu niệm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Bảy, trường mang tên liệt sĩ Nguyễn Thái Bình, dinh đốc phủ Nguyễn Ngọc Tương khiến lòng tôi xúc cảm khôn nguôi!
Tôi được sinh ra ở xã Mỹ Lộc, tuổi thơ được mẹ ru bằng những câu hát cũng như những câu thơ chan chứa tình cảm đạo đức của nhân dân, mà đặc biệt là thơ của cụ Đồ Chiểu. Theo thời gian lớn khôn, tôi đã cảm và hiểu được lẽ sống ở đời.
Từ tư tưởng biết yêu nước, mến quê hương, thảo cha mẹ, nghĩa vợ chồng, từ cửa đạo qua đường lối của ngài cộng với truyền thống đạo đức tu hành của gia đình, tôi hiểu được thi văn cụ Đồ Chiểu khi cụ đề ra tuyên ngôn đạo đức trong tác phẩm Lục Vân Tiên:
Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình.
Chữ trung, hiếu, tiết, nghĩa này đã bồi dưỡng tâm hồn tôi khi dấn thân vào xã hội. Rồi trên đường học đạo, tôi hiểu giáo lý đạo Cao Đài có tôn chỉ, mục đích là xóa nạn kỳ thị tôn giáo và biết dung hợp tam giáo, ngũ chi cộng với tinh thần rộng mở của hồn thơ cụ Đồ chỉ dạy:
Xưa nay hễ đạo là đường.
Đường đi nào phải một phương hẹp hòi.
Là con người chơn chánh ai cũng phải biết sống theo lẽ đạo, cụ Đồ khẳng định:
Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn có mắt ông cha không thờ.

Tác giả bên bàn thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu.
Các vần thơ và tấm gương đạo đức của cụ Đồ đã giúp tôi vượt qua nhiều trở lực, đứng vững vàng và tiến bước đến hôm nay. Rồi thời gian trôi đi, tôi may mắn gặp cụ Trần Văn Giàu về Mỹ Lộc viếng bia cụ Nguyễn Đình Chiểu có nói rõ hơn về đạo đức cụ Đồ, tôi càng kính phục. Năm 1989, tôi có dịp gặp chị Châu Anh Phụng, người có công dựng bia lưu niệm cụ Đồ nơi chùa Tôn Thạnh, muốn tìm cụ Lê Minh Chí để sưu tầm tư liệu thơ chữ Nôm của cụ Đồ. Tôi đã giúp chị thỏa được ý nguyện. Tôi rất kính mến người phụ nữ thiết tha với sự nghiệp yêu nước của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu…
Nhân dân, hội Hương đình Chánh Thôn xã Mỹ Lộc vẫn nhớ đến chùa Tôn Thạnh, ấp Thanh Ba là nơi cụ Nguyễn Đình Chiểu viết thơ Lục Vân Tiên và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, làm rạng danh sĩ phu đất Cần Giuộc nên khắc bia đá và thờ nhà thơ yêu nước tại chánh điện Đình Thần.
Đến năm 1991, ngôi đình xuống cấp, hội Hương mời tôi làm trưởng ban tái thiết và quyết định xây ngôi tiền đình để thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu và ngôi thờ Thần Hoàng. Hàng năm, đến lễ kỷ niệm ngày sinh của cụ Đồ, hội Hương và nhân dân làm lễ bái tế rất trọng thể.
Nay trở về quê nhà, nhìn ngôi đình Chánh Thôn, đền thờ Nguyễn Đình Chiểu và bia lưu niềm tại chùa Tôn Thạnh được gìn giữ tôn tạo ngày một trang nghiêm lòng tôi bồi hồi khôn xiết. Tôi nhớ thế kỷ trước cụ Đồ đã có duyên may gặp người phụ nữ Lê Thị Điền, người con gái đất Thanh Ba – Mỹ Lộc đã dành trọn tấm lòng thành để giúp nhà thơ làm nên những trang văn tế, tác phẩm thơ bất hủ với thời gian. Khi đất nước bị xâm lăng, cụ về Ba Tri tỵ địa, được nhân dân kính mến lập lăng thờ.
Mấy dòng hồi niệm trên đây làm tôi hiểu hơn sở dĩ tôi được như hôm nay là chức sắc Cao Đài có vai trò trọng yếu đối với Hội Thánh, được tín nhiệm là Ủy viên Trung ương Mặt trận với nhiều huy chương, bằng khen do chính quyền các cấp tặng trước là nhờ sự giáo dục của Hội Thánh, gia đình, sau là nhờ noi gương cụ Nguyễn Đình Chiểu mà sống vui, sống tốt như hiện nay.
VÕ VĂN NHO