Tấm gương để cán bộ, đảng viên tự soi lại mình
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, nhấn mạnh, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự thể hiện lòng kính yêu vô hạn của cán bộ, đảng viên, người lao động ở các cơ quan Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc khối doanh nghiệp Trung ương, luôn hướng về Bác, nguyện học tập, làm theo và noi gương Bác. Đây còn là dịp để tôn vinh, lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt trong xã hội, góp phần giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người lao động trong học tập, làm theo, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Tại hội thảo, các tham luận đã làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn nói chung, những nguyên tắc, phương pháp nói riêng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương và làm gương. Theo đó, tấm gương của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ quan niệm của Người, từ lòng dạ trong sáng, chính tâm, thật sự vì dân, vì nước. Người khuyên mọi người sống trong sạch, không ham tiền tài, danh vọng, không cậy quyền thế mà đục khoét của dân. Cuộc sống giản dị, trong sạch của Bác Hồ thật sự là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền phải tự soi lại mình. Trong bối cảnh hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cần nêu gương trước hết về tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, gương mẫu đi đầu trong công việc; hoàn thành nhiệm vụ, nói đi đôi với làm, thường xuyên học tập nâng cao trình độ bản thân; kiên quyết chống các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tích cực tham gia đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, chống tham ô, tham nhũng…
Theo GS-TS Hoàng Chí Bảo, để nhận ra phong cách con người mang tầm vóc vĩ nhân như Hồ Chí Minh, phải tổng hợp được những sự phong phú, đa dạng từ cuộc đời và hoạt động của Người, làm nên sự nghiệp vĩ đại của bậc “Đại trí - Đại nhân - Đại dũng” với khát vọng tự do, dâng hiến và hy sinh trọn vẹn cuộc đời mình “cho dân, cho nước”, cho cả thế giới nhân loại. Phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là phong cách ứng xử của Người có rất nhiều điểm đặc sắc mà chúng ta cần công phu nghiên cứu, phát hiện, để dần từng bước nhận ra chân giá trị của Người. Từ tấm gương đó soi vào mình, với tâm niệm “yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn”, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, tự hoàn thiện mình theo hình ảnh phong cách Hồ Chí Minh. Sự khiêm tốn, trung thực, giản dị, nhân ái vị tha và bao dung của Hồ Chí Minh chính là cả một hệ giá trị mà chúng ta cần nhận thức và theo đuổi để thực hành trong cuộc sống với mình, với người, với việc.
Nêu gương tốt là đạo lý của người lãnh đạo
Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, khẳng định, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là để chúng ta học và thực hành làm gương hay nêu gương một cách xứng đáng và danh dự, với tư cách là cán bộ, đảng viên của đảng cầm quyền, trước nhân dân và xã hội. Đến lượt mình, để chúng ta tiếp tục noi gương nhân dân lao động một cách tự nguyện và đầy vinh dự, với tư cách Đảng ta là “đứa con nòi” rất mực trung thành, hiếu đễ với nhân dân; noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách thành tâm và hiệu quả nhất, thật sự xứng đáng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, để công việc của chúng ta thấm đẫm đạo lý cao cả và tính nhân văn thiêng liêng. Nhìn rộng hơn, điều cần khắc sâu là: làm gương hay nêu gương và noi gương là một trong những phương diện quan trọng, để Đảng không chỉ tiếp tục đổi mới phương thức cầm quyền của mình, mà còn thiết thực xây dựng Đảng về đạo đức. Đây là phương diện mà Đại hội XII của Đảng quyết sách, thật sự xứng đáng vừa là đạo đức, văn minh, vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, ngang tầm trọng trách cầm quyền lịch sử mà dân tộc và nhân dân giao phó.
GS-TSKH Nguyễn Quang Liêm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, cho biết, hành động để nêu gương có tác động mạnh mẽ, sinh động, mang lại sinh lực cho cộng đồng, cần được sử dụng như một phương thức lãnh đạo. Vì thế, không thể chấp nhận gương xấu trong đội ngũ lãnh đạo. Chỉ khi có hành động thực, được chứng kiến và có tác động lan tỏa thì mới thực sự hữu ích. Gương tốt được tôn vinh, được truyền thông rộng rãi để trở thành nguồn động viên cho mọi người noi theo. Nêu gương tốt phải trở thành đạo lý của người lãnh đạo, phải là chỉ số chất lượng cán bộ lãnh đạo, và cần được kiểm chứng, đánh giá thường xuyên.
TS Nguyễn Xuân Sang, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh việc gì có lợi cho nhân dân phải hết sức làm. “Công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải trong những năm qua đã góp phần giảm rõ rệt số người chết, mất tích trên biển đã có 229 lượt tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng ứng phó với các tai nạn trên biển, cứu được gần 2.600 người, đặc biệt có 34 vụ tìm kiếm cứu nạn tại vùng biển Hoàng Sa, sát cánh với quân và dân ta khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, TS Nguyễn Xuân Sang cho biết.