Alô, tôi muốn…
Trong những tháng đầu năm 2022, tuy đại dịch Covid-19 đã giảm, nhưng phần lớn bạn đọc vẫn còn ngại tiếp xúc trực tiếp nơi đông người nên chỉ gọi về tổng đài hay Đường dây nóng của Báo SGGP để góp ý, phản ánh những bức xúc đang gặp phải. Ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, bạn đọc tên H. thông tin về căn hộ ở phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức, TPHCM cúng đốt vàng mã suốt ngày, có dấu hiệu xem bói cho khách.
Tại quận Gò Vấp, hai bạn đọc ở phường 9 và phường 15 gọi điện thoại đến với giọng hồ hởi, khen ngợi chính quyền, ban điều hành khu phố phối hợp với các giáo xứ trên địa bàn đã luôn tận tình với bà con trong và sau dịch Covid-19, không quản ngày đêm đến phát đồ ăn và tiền hỗ trợ của UBND TPHCM.
Phóng viên Báo SGGP tiếp bạn đọc |
Ngược lại, vài trạm y tế lưu động ở một số địa phương bị phản ánh không có nhân viên trực điện thoại để ghi nhận ca F0. Hay như một bạn đọc góp ý với báo và ngành y không nên lạm dụng thuật ngữ “tổng tiến công” trong việc dập dịch Covid-19; từ này chỉ dùng trong lịch sử chiến tranh, cụ thể là cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” của quân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Dõi theo dòng thời sự và thực tế phát sinh, bạn đọc cũng nhanh chóng phản ánh nhiều vụ việc, vấn đề với Báo SGGP. Chẳng hạn, bạn đọc quan tâm, phản ánh nhanh về việc trong Khu du lịch Hồ Mây có dựng tượng danh tướng Trần Hưng Đạo nhưng lại lấy hình mẫu của Quan Vân Trường (Trung Quốc).
Một giáo viên dạy môn Sử ở quận Bình Thạnh nêu quan điểm không đồng ý với việc lập miếu thờ bà Phi Yến (thứ phi của vua Gia Long) và cho đây là sự “cuồng tín”. Vài tháng gần đây, bạn đọc gọi điện thoại đến Đường dây nóng Báo SGGP bày tỏ bức xúc về tình trạng lập bãi giữ xe trái phép, chiếm dụng đất công viên trong khu chung cư mở quán cà phê, nhất là bị “tra tấn” từ trưa đến tối bởi tiếng “gào, hét” karaoke qua “loa kẹo kéo” dịp cuối năm.
Một công đôi việc
Vào trung tuần tháng 5-2022, Ban Biên tập Báo SGGP quyết định mời lại các luật sư đến tư vấn miễn phí (sau thời gian tạm ngưng do dịch Covid-19) cho bạn đọc về nhiều vấn đề liên quan đến pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật. Các luật sư Phạm Quang Hiệp, Nghiêm Xuân Lý, Vĩnh Đại, Lê Vân… cho biết rất vui khi “trở về mái nhà xưa”, phối hợp với Báo SGGP để phục vụ bạn đọc gần xa. Từ thời điểm đó đến nay (vào buổi chiều thứ ba, thứ năm và sáng thứ bảy hàng tuần), dù nắng hay mưa, các luật sư cũng có “khách hàng” đến ngồi chờ được tư vấn nhiều vấn đề liên quan đến tranh chấp nhà, đất; phân chia di sản, tài sản thừa kế; di chúc có yếu tố nước ngoài; hướng dẫn thủ tục nộp đơn khiếu kiện oan sai, tranh chấp hợp đồng lao động...
Có bạn đọc tên Th. ở tận TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, trong lần vào TPHCM cũng tranh thủ đến Báo SGGP nhờ tư vấn việc tài sản đang tranh chấp thì có dấu hiệu bị chuyển nhượng trái phép. Các luật sư đã hướng dẫn anh Th. cách thức làm đơn yêu cầu ngăn chặn chuyển nhượng. Khá nhiều bạn đọc cũng tranh thủ “một công đôi việc”, vừa hỏi luật sư chuyện này vừa quay qua trình bày với cán bộ, nhân viên của Báo SGGP việc khác rồi nộp kèm theo đơn nhờ báo can thiệp.
Sau thời gian dài phục vụ bạn đọc qua Đường dây nóng, chúng tôi có nhiều cảm nhận “đặc biệt”. Chỉ cần nghe giọng nói là biết vụ việc bức xúc đến độ nào. Như vụ đống rác trước cổng chợ Hòa Bình, bạn đọc gọi đến với giọng vừa tức (vì quá hôi thối) vừa sợ ai đó “trả thù”. Chúng tôi lập tức xác minh, và qua trao đổi với Ban quản lý chợ thì được biết đống rác là do người dân sinh sống ở gần đó thải ra. Ngay sau khi báo đăng bài phản ánh, vụ việc đã được khắc phục. Ban quản lý chợ Hòa Bình cũng cắt cử nhân viên bảo vệ chốt tại vị trí đó để ngăn người dân vứt rác…
Bà Kiến Kim Giác, tiểu thương ở chợ Hòa Bình, phấn khởi bày tỏ: “Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh về đống rác nhưng chưa được được giải quyết. Xin cảm ơn Báo SGGP đã lên tiếng và kết quả rất khả quan”.
Ngày 17-2-2022, Báo SGGP đăng giới thiệu 2 cuốn sách về “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”. Gần 1 tháng sau, bạn đọc Nguyễn Minh Th. (87 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) gọi điện thoại đến tha thiết nhờ Báo SGGP cung cấp thông tin nơi đặt mua 2 cuốn sách trên vì ông đã tìm khắp các nhà sách nhưng không thấy bán. Chị Ngọc Linh, công tác tại Phòng TN-MT quận 8, TPHCM, liên hệ muốn biết kế hoạch “Sống an toàn với nhựa” do Báo SGGP tổ chức, để cùng tham gia. Bạn đọc Kim Cúc thì mong được “tiếp sức” cùng với “Ông giáo tiếp sức người nghèo vượt dịch” đăng trên Báo SGGP… Chúng tôi đã liên hệ với các phóng viên viết tin, bài để kết nối, giúp bạn đọc thực hiện mong muốn.