Nới giới hạn công suất và được bán lên điện lưới: “Tiếp sức” cho điện mặt trời mái nhà

Thông tin nới room (giới hạn công suất) điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) và được bán lên điện lưới vừa được cơ quan thẩm quyền xem xét, khiến thị trường về năng lượng tái tạo này bắt đầu chộn rộn. Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách ưu tiên phát triển ĐMTMN là mong mỏi của các doanh nghiệp (DN), bởi không chỉ giúp tiết giảm chi phí, giảm phát thải carbon, mà còn tạo thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.

Ngại đầu tư vì... bí đầu ra

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Giám đốc Schaeffler Việt Nam, cho biết, DN đang gặp trở ngại trong việc đấu nối lên lưới điện của khu công nghiệp (KCN). Theo đó, DN tự bỏ vốn ra đầu tư hệ thống ĐMTMN theo hình thức tự sản, tự tiêu với công suất khoảng 2,7MGw. Vậy nhưng chủ đầu tư KCN Amata (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) không cho DN đấu nối lên lưới điện của KCN, bởi lưới điện trong KCN này là chủ đầu tư tự đầu tư. Ông Thắng nói, mặc dù những chính sách, hay các nghị định, thông tư nghe có vẻ rất hợp lý, nhưng khi đi vào thực tế thì còn nhiều bất cập, vướng mắc ở góc độ địa phương, hoặc ở cấp độ quản lý của các KCN.

#1c.jpg
Lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại TP Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRUNG

Tương tự, ông Trương Công Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Global Energy, chia sẻ, rất nhiều DN sản xuất trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có nhu cầu lắp đặt ĐMTMN, nhưng do chính sách đang điều chỉnh nên DN ngần ngại lắp đặt, dù 100% sản lượng điện dùng để phục vụ cho sản xuất của nhà máy, giúp DN đạt chứng chỉ xanh và giảm phát thải. “Các DN không để tâm lắm đến chuyện mua bán, song chỉ sợ khi bỏ ra hàng tỷ đồng lắp đặt ĐMTMN nhưng đang dùng giữa chừng lại bắt tháo xuống thì tốn kém lắm. Khi chưa ban hành quy định chính thức, cần có chính sách tạm thời cho DN đăng ký tại các Sở Công thương để lắp đặt ĐMTMN nằm trong công suất 2.600MW đã được phê duyệt tại Quy hoạch điện 8”, ông Trương Công Vũ chia sẻ.

Theo ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam), ĐMTMN là nhu cầu rất cấp thiết của các chủ đầu tư KCN và nhà đầu tư thứ cấp. “Năm 2020, khi phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ban Quản lý các khu chế xuất - KCN TPHCM để phát động triển khai ĐMTMN cho các DN, chỉ trong vòng một năm đã đạt gần 100MW. Riêng TPHCM đã có gần 2.000 nhà đầu tư nên nếu làm hết cũng phải gần 2.000MW. Nhằm khai thác hết tiềm năng từ lĩnh vực này, Ngân hàng Nhà nước nên có quỹ hỗ trợ nguồn tài chính xanh cho DN để đầu tư ĐMTMN. Hiện nay, Việt Nam chỉ có vài ngân hàng cho vay nhưng không phổ biến, trong khi các DN đang rất khó khăn về tài chính để chuyển đổi xanh”, ông Trần Thiên Long cho biết.

Cắt giảm quy trình, thủ tục

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, chính sách ưu tiên phát triển ĐMTMN là mong mỏi của các DN, bởi không chỉ giúp DN tiết giảm chi phí, giảm phát thải carbon, mà còn tạo thế cạnh tranh khi xuất khẩu, thích nghi với yêu cầu của các thị trường lớn. Điển hình, Liên minh châu Âu (EU) đang tập trung đẩy mạnh Chiến lược thỏa thuận xanh châu Âu. Cụ thể, các sản phẩm dệt may, điện tử, công nghệ thông tin, nông sản, thực phẩm xuất sang EU phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe về hiệu quả năng lượng, giảm phát thải, chất thải và sử dụng nguyên liệu tái chế. Các loại sản phẩm như sắt, thép, nhôm, xi măng cũng được dự báo sẽ chịu tác động mạnh từ quá trình chuyển đổi xanh ở thị trường EU trong thời gian tới. Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, việc đầu tư lắp đặt ĐMTMN là cơ sở quan trọng giúp DN sở hữu chứng chỉ xanh, được cộng điểm ưu tiên khi xuất khẩu vào các thị trường “khó tính”.

#5b.jpg
Một hệ thống điện mặt trời mái nhà tại huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận)

Cụ thể hơn, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thông tin, các nhãn hàng thời trang nổi tiếng thế giới hiện nay đều yêu cầu loại trừ tất cả nồi hơi bằng than đá - vật liệu thải khí không tốt ra môi trường, do đó các DN phải chuyển sang nồi hơi điện. Như vậy, chi phí sản xuất cho một sản phẩm tăng 10%-17% so với đốt than. Chưa hết, việc dùng nồi hơi bằng điện lưới làm tăng chi phí thêm 15%-20% so với dùng ĐMTMN. Vì vậy, những DN dệt may đã lắp đặt ĐMTMN ngay từ giai đoạn đầu và hoạt động rất hiệu quả; được điểm cộng khi làm việc với các nhãn hàng; các chỉ số về tiết kiệm năng lượng, xử lý nguồn nước cũng được cải thiện, tác động đến quá trình đánh giá các chứng chỉ xanh.

“Cần có các tổ chức cấp chứng chỉ xanh uy tín của Việt Nam, tiến tới tương đương các tổ chức quốc tế, cũng như các cơ quan hướng dẫn, cấp phép và kiểm soát các DN dịch vụ lắp đặt ĐMTMN. Bởi việc lắp đặt rất dễ, nhưng kiểm soát sự cố thì chưa rõ ai chịu trách nhiệm”, ông Vũ Đức Giang đề xuất.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 387 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà liên quan việc xây dựng, ban hành nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích ĐMTMN tự sản, tự tiêu. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương hoàn thiện khái niệm “tự sản, tự tiêu” đối với ĐMTMN; bổ sung tỷ lệ bán lượng điện dư để làm rõ hơn nội hàm ĐMTMN tự sản, tự tiêu.

Mục đích là phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ của người dân và DN. Trường hợp điện dư, được bán lên lưới điện không quá 20% tổng công suất; có chính sách phù hợp khuyến khích sử dụng ĐMTMN tự sản, tự tiêu theo hướng cắt giảm tối đa các quy trình, thủ tục hành chính.

Tin cùng chuyên mục