Đợt dịch lần thứ 4 đã bộc phát ở hầu hết các tỉnh, thành của cả nước, số ca bệnh tăng gấp mấy trăm lần so với ba lần trước cộng lại. Song, mức độ, số lượng lây nhiễm rất khác nhau.
Chống dịch còn kéo dài, cho thấy không thể thực hiện “không covid”, mà phải “chung sống” với sự tồn tại của virus SARS-CoV-2. Trải qua một thời gian dài chống dịch, nhiều nước trên thế giới, khu vực cũng như đất nước ta mới nhận ra điều hết sức hệ trọng này.
Để quyết định những chủ trương, giải pháp chống dịch triệt để hơn, hiệu quả hơn nhằm đạt 2 mục tiêu quan trọng: Trước hết là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân; kế đến là mở cửa phục hồi và phát triển nền kinh tế sau một thời gian bị tổn thất khá nặng nề.
Đặc điểm nêu trên, quyết định “cách đánh” của trận chiến với dịch Covid 19, trong bối cảnh mới hiện nay. Có thể nói, đây là “cách đánh” toàn diện, trên nhiều lĩnh vực, cả trước mắt và lâu dài. Song phải có trọng tâm, trọng điểm. Ở đây, có thể nêu mấy vấn đề mang tính tiên quyết để nới giãn cách đến được với cuộc sống “bình thường mới”.
Kinh nghiệm chống dịch ở nước ta nói chung và thành phố nói riêng hơn 1 tháng gần đây cho thấy: gắn liền với giãn cách xã hội, ngay lập tức xét nghiệm thần tốc trên diện rộng khi dịch đã lây lan trong cộng đồng. Bóc tách, quản lý F0, F1, điều trị F0 tại nhà hoặc ở khu cách ly; khoanh và cắt đứt các ổ lây nhiễm.
Đồng thời, khẩn trương tiêm vaccine đạt tỷ lệ theo dự kiến; hỗ trợ thuốc điều trị và các phương tiện y tế khác; đổi mới phương thức điều trị F0... đã tạo được chuyển biến tích cực. An sinh xã hội cũng được triển khai quyết liệt với 3 gói hỗ trợ đến với nhiều đối tượng nhằm giúp người dân vượt qua khó khăn.
Kết quả bước đầu đó, đã cho thành phố có nhiều chọn lựa. Đã nới giãn cách từng bước ở quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ từ ngày 16-9 để rút kinh nghiệm, làm cơ sở để nới giãn cách cả thành phố. Phát huy kết quả đã đạt được, tin rằng thành phố có thể từng bước giãn cách theo lộ trình, đúng tinh thần “Không quá chậm lỡ mất cơ hội, khi thực tiễn cho phép, nhưng cũng không nôn nóng, chủ quan, làm từng bước thận trọng bảo đảm tuyệt đối an toàn”.
Để có cuộc sống bình thường mới, phải trải qua nhiều giai đoạn có thời gian với những chủ trương, giải pháp toàn diện.
Trong buổi tiếp xúc với các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM đã phác họa rất nhiều chiến lược gắn với cuộc sống “bình thường mới” của thành phố cũng như khắc phục hậu quả do đại dịch gây ra.
Đây là những vấn đề lớn. Chúng ta tin rằng Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI vừa qua cũng chưa thể nhận ra những vấn đề rất mới. Trong đó, nhận thức và tư duy phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, mới có thể tiếp cận được những đổi thay trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ thực tiễn sau trận đại dịch này. Đây là những vấn đề chiến lược phải dày công nghiên cứu thời gian tới.
Trước mắt, để khắc phục những tổn thương, tạo tiền đề khôi phục và phát triển kinh tế, thành phố đã ban hành nhiều văn bản cụ thể ở các quận, huyện được nới giãn cách, tạo điều kiện để BQL các khu công nghiệp, khu chế xuất hướng dẫn doanh nghiệp cũng như người dân trên địa bàn chủ động lập phương án hoạt động phù hợp.
Qua các phương tiện truyền thông, nguyện vọng, kiến nghị của các doanh nghiệp, người dân thể hiện phong phú và đa dạng. Gồm những vấn đề trước mắt và lâu dài như: hỗ trợ lãi suất ngân hàng, gia hạn nợ, miễn giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, hỗ trợ và giữ chân lao động, đào tạo lại lao động; tăng nguồn vaccine cho người lao động, quan tâm đúng mức công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp để duy trì sản xuất cho xuất khẩu; đẩy mạnh chuyển đổi số trong xã hội và nền kinh tế nhất là cơ sở hạ tầng viễn thông; phát triển các dịch vụ công quyền trực tuyến và thương mại điện tử; điều chỉnh quy hoạch, giãn cách các khu công nghiệp gắn với quy hoạch hạ tầng giao thông; phát triển nhà ở công nhân gắn với khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình nhà ở xã hội được thuê giá rẻ…