Một mái nhà, một gia đình
Tọa lạc ở góc đường Quang Trung - Tân Sơn, Làng trẻ em SOS Gò Vấp là một trong 17 làng trẻ em SOS hoạt động tại Việt Nam. Với quy mô, tổ chức rộng lớn, từ khi thành lập đến nay, nơi đây đã tiếp nhận và nuôi dưỡng 622 cháu ở TPHCM và các tỉnh lân cận.
Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Làng trẻ em SOS Gò Vấp, cho biết: “Các cháu đến đây có hoàn cảnh khác nhau, đến từ các tỉnh thành khác nhau. Khi về đây, các cháu và các mẹ, các dì sống chung một mái nhà, là một gia đình. Chúng tôi dành nhiều thời gian để tìm hiểu nguyện vọng các cháu. Học văn hóa hay học nghề thì các cháu đều được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, để dễ dàng hòa nhập cộng đồng. Điều đáng phấn khởi là thời gian qua có 6 cháu đã hoàn thành bậc học cao học; 106 cháu tốt nghiệp đại học, cao đẳng; gần 200 cháu học trung học chuyên nghiệp và học nghề. Hơn 110 cháu đã xây dựng gia đình và chúng tôi đã tổ chức đến tận nhà để thực hiện lễ cưới cho các cháu”.
Đến thăm Nhà Thủy Trúc, cháu Thị Dên (11 tuổi, người dân tộc Stiêng) lễ phép chào chúng tôi. Thấy có khách đến, dì Nguyễn Thị Bình đang ở trong bếp cười tươi bước ra mời vào tham quan nhà. Dù thịt heo đang tăng giá cao, nhưng trưa hôm nay, mỗi cháu vẫn được một miếng sườn cốt lết rất to và dày.
Dì Bình tâm sự: “Hoàn cảnh của tôi cũng tương tự các cháu bất hạnh, nên rất dễ thông cảm, sẻ chia với các cháu. Cha bỏ đi, tôi ở với mẹ. Hơn 10 tuổi, mẹ mất, tôi vào chùa sống rồi học hành và đi làm việc. Tôi chuyển chỗ làm nhiều nơi lắm. Rồi như cái duyên, khi biết Làng trẻ em SOS Gò Vấp, tôi xin vào đây làm để gần gũi với các cháu. Nhà Thủy Trúc đang nuôi dưỡng 8 cháu, cả trai và gái. Cháu lớn nhất học lớp 12, cháu nhỏ nhất học lớp 1. Các cháu yêu thương nhau như một gia đình. Tụi nó nhường cho chị học lớp 12 một phòng để có góc học tập riêng. Năm nay, chị đi thi tốt nghiệp mà”.
Niềm vui bên các cháu
Dãy nhà có trồng nhiều hoa gần khu văn phòng là nhà của các mẹ, các dì về hưu. Theo chính sách, các mẹ, các dì được cấp một phòng riêng trong dãy nhà đó. Theo quy định tuyển chọn, để toàn tâm, toàn ý với công việc, ăn ở suốt ngày với các cháu, các mẹ, các dì chăm sóc các cháu phải không vướng bận việc gia đình. Dầu vậy, khi về hưu, các mẹ, các dì không phải quạnh hiu, vì các cháu đã lập gia đình và hòa nhập cộng đồng vẫn thường xuyên ghé về thăm.
Xế trưa, chúng tôi ghé thăm phòng của mẹ Nguyễn Túy Sương. Căn phòng khá ngăn nắp, được chia thành phòng khách và phòng ngủ. Bà Sương đã 65 tuổi, là người dành cả tuổi thanh xuân để chăm sóc các cháu. Trong số các cháu được Sương nuôi dưỡng có cháu Nguyễn Xuân Nhi đã lập gia đình, nhưng vẫn về đây ở với mẹ. Thậm chí đến giờ làm, cháu Nhi gửi con lại cho “bà ngoại” Sương chăm sóc. Một cháu gái khác cũng gửi đứa con trai 9 tháng tuổi cho bà Sương nuôi dưỡng, khoảng dăm bữa nửa tháng, vợ chồng về đây thăm con.
Nếu không có tấm lòng chân thành yêu thương những mảnh đời bất hạnh, chắc chắn những người như bà Sương, dì Bình và các mẹ, các dì khác ở đây khó có thể vững vàng làm người mẹ thứ hai suốt bao năm qua. Trong vòng tay yêu thương ấy, các cháu ở Làng trẻ em SOS Gò Vấp đã lớn lên từng ngày, được học nghề, học văn hóa để vào đời hòa nhập cộng đồng.