Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống của ông Vương Hồng Sển (được xếp hạng theo Quyết định số 140/2003/QĐ-UB ngày 5-8-2003), hay còn được gọi Nhà cụ Vương (phường 14, quận Bình Thạnh, TPHCM) trở thành mối quan tâm cho những ai yêu mến di sản cũng như trân trọng và ngưỡng mộ sự nghiệp nghiên cứu văn hóa mà ông để lại. Vì lẽ đó, trước thông tin từ người nhà cụ Vương cho biết 23 tủ sách vốn đã được niêm phong và nằm trong số hiện vật ông hiến tặng lại cho Nhà nước đột ngột biến mất, nhiều người cảm thấy bất ngờ và tiếc nuối.
Từ khi được xếp hạng di tích đến nay, vì tranh chấp thừa kế trong gia đình, nên di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà cụ Vương chưa một lần được tu sửa, nâng cấp. Nếu đúng là mất 23 tủ sách như phía gia đình đang cho biết, chưa cần xác định rõ giá trị số sách theo quy trình giám định hiện vật/cổ vật, đây sẽ là một thiệt thòi trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa… Và điều đáng tiếc hơn nữa, chính là việc những hiện vật gắn liền với tên tuổi học giả lẫy lừng trong nghiên cứu văn hóa đất Nam bộ, đang mất đi một cách xót xa.
Các đơn vị liên quan trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại TPHCM đều đã nắm sự việc, đang kiểm tra lại tất cả thủ tục hồ sơ để có phương án xử lý kịp thời. Riêng với ngôi nhà cổ, trước tình trạng xuống cấp nặng, UBND quận Bình Thạnh có quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo Quyết định số 6200/QĐ-KPHQ ngày 23-8-2023 của Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh.
Bài toán công tác bảo tồn di sản trong bối cảnh phát triển đô thị vốn không dễ cân bằng, càng khó hơn đối với những hiện vật, cổ vật hay công trình kiến trúc thuộc sở hữu tư nhân. Việc Nhà cổ cụ Vương xuống cấp và nếu có chuyện thất thoát hiện vật bên trong, lỗi thuộc về ai? Tất nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là một việc liên ngành, cần sự chung tay nhiều người, nhiều lĩnh vực, chứ không phải tìm cho ra một đầu mối để gánh trách nhiệm là xong.
Khi hiện vật, công trình thuộc sở hữu tư nhân thì chuyện thay đổi, mua - bán, trùng tu hay phá bỏ nằm ở quyền quyết định của người hay đơn vị sở hữu. Nhưng không phải vì đó là câu chuyện sở hữu cá nhân, mà những hiện vật/công trình giá trị sẽ trôi qua trong im lặng, bởi một bản đồ quy hoạch di sản cụ thể cho một đô thị, địa phương là điều cấp thiết trong tiến trình phát triển. Quy hoạch và phân loại rõ ràng các di sản vật thể để có phương án bảo tồn mà không phía nào cảm thấy xót xa, để di sản được sống với dòng chảy đương thời, bắt nhịp và kiến tạo giá trị tốt đẹp cho cộng đồng trong tương lai.
Thời gian là thử thách lớn, những giá trị còn lại sau muôn vàn tiếp biến văn hóa và di sản chính là giá trị văn hóa tốt đẹp cần giữ gìn. Đặt di sản văn hóa ở vị trí quan trọng chính là nền tảng để mỗi đô thị, địa phương hay vùng đất kiến tạo bản sắc cho chính mình. Giữ lấy di sản không phải thống kê về mặt văn bản hay mỗi lần dư luận xôn xao thì vội vàng tìm giải pháp, hoặc đến lúc hiện vật mất đi rồi mới tiếc nuối nhận lỗi, mà di sản cần “sống” và phát huy giá trị, không cần một lời xin lỗi cho chuyện đã rồi.
Và thước đo giá trị di sản văn hóa không phải là chuyện giám định theo quy trình, để thấy hiện vật hay công trình 1000 năm thì sẽ quý hơn 100 năm. Giá trị di sản chính là tính gắn kết với cộng đồng, khả năng cảm thụ và thẩm mỹ công chúng nâng cao cũng chính là biện pháp hữu hiệu để di sản dù thuộc sở hữu nhà nước hay tư nhân cũng sẽ được nhìn nhận đúng giá trị và có phương án giữ gìn phù hợp.