Công an vào bếp
Chiều thứ sáu giữa tháng 1-2024, chúng tôi có mặt tại Công an phường Bình Trưng Tây. Tại đây, nhiều cán bộ, chiến sĩ hết ca trực chia nhau đi mua nguyên vật liệu, thực phẩm về chế biến ngay tại bếp ăn đơn vị để chuẩn bị cho nồi cháo nghĩa tình phục vụ bệnh nhân, người thân bệnh nhân, người nghèo ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh vào sáng hôm sau.
Hình ảnh gắn với cán bộ, chiến sĩ là công việc tuần tra kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự. Song, khi xắn tay vào bếp, người cắt nấm, người rửa thịt, người cắt rau củ… kèm theo nụ cười, các anh lại khá chuyên nghiệp như đầu bếp thực thụ. “Tưởng chừng như nấu nồi cháo khá đơn giản nhưng lại không dễ dàng với chúng tôi. Thời gian đầu, tôi phải nhờ vợ chỉ cách nấu cháo sao cho ngon”, Trung tá Cao Quốc Thịnh, Cảnh sát khu vực, kể.
Trung tá Phạm Quốc Sơn, Trưởng Công an phường Bình Trưng Tây, nhớ lại, ý tưởng về nồi cháo nghĩa tình được hình thành từ việc cán bộ, chiến sĩ đi tuần tra tại khu vực xung quanh Bệnh viện Lê Văn Thịnh nhìn thấy nhiều người nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, nồi cháo nghĩa tình ra đời.
Nồi cháo duy trì hơn 10 năm qua, từ sự ủng hộ, đóng góp một phần tiền lương của cán bộ, chiến sĩ Công an phường. Ban đầu, số tiền này mua được lương thực, thực phẩm nấu cháo phát vào thứ bảy hàng tuần với 350 suất. Sau một thời gian, nhiều mạnh thường quân và lãnh đạo Công an TP Thủ Đức, chính quyền quyên góp, đồng hành cùng Công an phường Bình Trưng Tây.
Theo Trung tá Phạm Quốc Sơn, thời điểm dịch Covid-19, nồi cháo phải tạm ngưng vì cán bộ, chiến sĩ phải túc trực và chung tay cùng các cấp, chính quyền địa phương chống dịch. Tháng 4-2022, dịch bệnh được kéo giảm, cán bộ, chiến sĩ Công an phường lại cùng nhau tiếp tục nấu nồi cháo nghĩa tình phát đến người bệnh. “Người dân thấy việc làm ý nghĩa nên chung sức cùng Công an phường duy trì và mở rộng nồi cháo. Nhiều người còn mang gạo, thịt, sữa, trứng tới ủng hộ”, Trung tá Phạm Quốc Sơn nói.
Tiếng rao ấm áp vào sáng cuối tuần
Chỉ tính trong 6 năm qua, Công an phường Bình Trưng Tây đã phát hơn 69.600 suất cháo, 5.600 hộp sữa và hàng ngàn quả trứng gà, với số tiền gần 750 triệu đồng. Đây là số tiền do gần 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ Công an phường đóng góp. Công an cũng tích cực vận động người dân trên địa bàn cùng chung sức đem đến bát cháo nghĩa tình làm ấm lòng người bệnh.
Bà Nguyễn Thị Lành (sinh năm 1974, nhà gần bệnh viện) cho biết, nhiều năm nay cứ sáng sớm thứ bảy, bà cùng người dân xung quanh bệnh viện quá quen thuộc với hình ảnh nồi cháo nghĩa tình của Công an phường tại bệnh viện, kèm tiếng rao “Cháo dinh dưỡng đây! Cháo dinh dưỡng nóng hổi đây”, vang lên. Những phần cháo được công an đưa tới tận tay bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Hàng trăm bệnh nhân và người nhà đang điều trị bệnh tại bệnh viện cứ nghe tiếng rao là đi xuống khuôn viên bệnh viện. Người trên tay ôm cà mèn, hộp giữ nhiệt; người thì cầm tô, chén xếp hàng chờ đến lượt nhận phần cháo ấm áp. “Các chú công an cũng chuẩn bị sẵn hộp đựng cháo để phát cho những ai không có hộp. Thậm chí khi biết có bệnh nhân không đi nhận cháo được hay không có người nhà chăm sóc, hoặc các em thiếu nhi nhỏ tuổi không đến nhận được, chú công an lại mang từng phần cháo nóng, sữa tới tận giường bệnh cho bệnh nhân”, bà Lành kể.
Bà Thủy (sinh năm 1968, ngụ tỉnh Bình Dương, đang ở bệnh viện chăm sóc con trị bệnh) cho biết, mỗi sáng thứ bảy trong nhiều tuần qua, bà đều đặn nhận 2 ly cháo. Phần ăn sáng thơm ngon ấy đã làm đỡ phần nào chi phí trong thời gian điều trị cho con bà. “Hình ảnh các anh công an phát từng phần cháo hay mang cháo đến tận các phòng cho bệnh nhân làm chúng tôi cảm thấy rất gần gũi và ấm áp”, bà Thủy xúc động bày tỏ sự cảm kích trước sự quan tâm, chia sẻ với khó khăn của bà con nghèo của tập thể Công an phường Bình Trưng Tây.
Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng Công an TP Thủ Đức, thông tin, ngoài mô hình nồi cháo nghĩa tình của Công an phường Bình Trưng Tây còn có nhiều mô hình khác của lực lượng công an cùng chính quyền thực hiện. Đó là “Tủ bánh mì 0 đồng” của Công an phường Tam Phú, “Gian hàng 0 đồng” của Công an phường Tam Bình… Kinh phí thực hiện các mô hình trên do cán bộ, chiến sĩ công an trích một phần tiền lương đóng góp. Có thể số tiền ủng hộ không nhiều, nhưng việc làm đó thể hiện trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ công an với công tác an sinh xã hội, chung tay góp phần hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.