Nơi cần thì thiếu, nơi có lại dư thừa

Trong những ngày qua, câu chuyện cứu trợ cho người dân vùng lũ đã trở thành đề tài nóng được bàn tán sôi nổi trên nhiều trang mạng xã hội. Một số nhóm thiện nguyện có kinh nghiệm đã lên tiếng về tình trạng thiếu hiệu quả trong công tác cứu trợ.

Mang hàng cứu trợ cho người cho vùng lũ
Mang hàng cứu trợ cho người cho vùng lũ

Tại thôn Mai Thượng, xã Mai Đình (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) từ sáng sớm, người dân đã đứng chen chúc nhận quà cứu trợ rồi đợi thuyền về các xóm trong vùng nước lũ. Ông Trần Đức Minh, Phó Chủ tịch HĐND xã Mai Đình, cho biết, xã phải huy động cả giáo viên để tiếp nhận, đóng gói quà cứu trợ rồi phân chia cho từng nhà. Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài giờ, hàng loạt xe cứu trợ vẫn tiếp tục đổ về. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại một số nơi trong đợt lũ này.

Ghi nhận từ thực tế hiện trường cho thấy, hầu hết hàng cứu trợ gửi cho người dân hoạn nạn là mì tôm, chai nước uống, cơm, bánh chưng, bánh kẹo, lương khô, xúc xích… và rất nhiều gạo. Những lương thực, thực phẩm này là thiết yếu, nhưng lại gây ra nhiều vấn đề bất tiện cho người dân vùng lũ. Nhiều mặt hàng cứu trợ như mì tôm, bánh chưng bị hỏng nhanh, không phù hợp với điều kiện mưa lũ dài ngày (ví dụ, ăn mì tôm không có đủ dưỡng chất và khát nước, vùng bão lũ lại thiếu nhất là nước uống). Trong khi đó, người dân rất thiếu thốn phương tiện di chuyển và cứu hộ. Nhiều nhóm từ thiện chia sẻ kinh nghiệm rằng, nếu gửi bánh mì thì sau một ngày sẽ hỏng, mì tôm cần nước nóng mới ăn được. Các mặt hàng cần thiết nhất cho người dân vùng lũ hiện tại là thuốc chống tiêu chảy, giảm đau, giảm sốt, dầu gió, thuốc cảm cho trẻ em, nước muối sinh lý, men tiêu hóa, lương khô, đèn pin, sạc dự phòng và nước uống đóng chai nhỏ, thậm chí cả những thứ rất nhỏ mà thiết thực như thuốc trị ghẻ, nước ăn chân...

Cộng đồng thiện nguyện cũng cho rằng, cần hỗ trợ phù hợp với từng giai đoạn của thiên tai. Khi nước lũ mới dâng cao, người dân cần xuồng máy, thuyền cứu hộ, áo phao. Khi nước đã tĩnh, người vùng lụt cần nước uống, thực phẩm đóng gói có hạn sử dụng dài, đèn pin, bếp gas mini, nến và đặc biệt là sạc dự phòng để duy trì được liên lạc. Sau khi nước rút mới nên hỗ trợ gạo, mì, các mặt hàng có thể bảo quản lâu dài và người dân có chỗ để. Quan trọng nhất, việc cứu trợ cần được tổ chức chặt chẽ, trao tận tay, đảm bảo phân phát đúng đối tượng, tránh tình trạng thất thoát và phải an toàn cho người cứu trợ.

Tin cùng chuyên mục