Một thời sôi nổi
Chỉ 1-2 năm trước đây giới trẻ còn quan tâm đến sách cũ. Những quầy sách cũ đơn sơ trong phiên chợ cuối tuần tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM dù nằm gọn trong một góc nhưng lại thu hút khá đông người trẻ. Đáng yêu ở chỗ, tuy là quầy sách nhưng chả mấy khi bán - mua, chủ yếu là người đem những cuốn sách mình đã đọc tới tặng lại cho người muốn đọc.
Các bạn trẻ còn cẩn thận ghi những lời gửi gắm chủ nhân mới hãy yêu thương, nâng niu cuốn sách. Cứ thế, sách cũ trở lại với giới trẻ một cách nhẹ nhàng và thực sự bùng nổ sau ngày hội sách cũ do Alphabook tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên vào tháng 11-2015 hay Saigonbook tổ chức tại Công viên 23-9 vào tháng 3-2017 - thu hút hàng ngàn bạn trẻ tham gia.
Một thời gian dài, sách cũ hiện diện thường xuyên trong câu chuyện của người trẻ, ngay cả những tiệm sách cũ vốn yên ắng bao năm cũng được dịp khuấy động. Nhất là phố sách cũ trên đường Trần Nhân Tôn (quận 5) trở thành điểm đến của giới trẻ, đặc biệt là dịp đầu hè. Năm huy hoàng của sách cũ, trên mạng xã hội cũng xuất hiện hàng chục hội, nhóm những người yêu sách cũ; mỗi hội, nhóm luôn thu hút vài chục ngàn lượt theo dõi và bình sách.
Nhiều bạn trẻ yêu sách hoặc đam mê sưu tập sách, nắm bắt cơ hội cũng đã khởi nghiệp bằng những tiệm sách cũ online trên mạng hoặc tiệm sách cũ bán trực tiếp cho những người có nhu cầu. Bởi vậy, ngoài các quầy sách cũ lâu đời trên đường Trần Nhân Tôn (quận 5), Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận) và khu làng đại học Thủ Đức… thì còn một dãy quầy sách cũ được đặt ngay Đường sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1) và hàng chục cửa hàng sách online cũng đông khách một thời.
Thế nhưng đó là chuyện của những năm trước, khoảng 1 năm nay, sách cũ hiu hắt đến lạ.
Chóng tàn
“Tầm này của một vài năm trước, học sinh, sinh viên tới mua sách cũ đông dữ lắm, mình tôi kiếm sách không kịp. Vậy mà năm nay vắng hoe, cả ngày được vài khách ghé mua, toàn người lớn tuổi, giới trẻ rất ít”, dì Út Bình - một người bán sách trên đường Trần Nhân Tôn (quận 5), cho biết.
Không riêng gì tiệm sách của dì Út Bình, hơn chục tiệm sách cũ trên đường Trần Nhân Tôn cũng vậy, những chồng sách cao ngất, đủ thể loại, chất kín lối đi nhưng gần 1 năm nay chẳng mấy khách ghé tìm mua. Nhìn vào các tiệm, chỉ toàn người bán. “Giới trẻ ít mua sách cũ đã đành mà gần đây lại bán nhiều, thi thoảng có cô, cậu chở cả bao sách tới bán. Hỏi mới biết, bữa hội sách cũ ham vui nên mua nhiều quá, nhà không có chỗ để, cũng không có thời gian đọc, tặng bạn bè thì chẳng ai lấy nên đành đem bán lại. Chúng tôi mê sách nên ế vẫn thu mua, trước tiên là để mình đọc, sau là để chờ người có duyên với sách tìm đến”, dì Út Bình kể.
Tương tự, chủ những quầy sách cũ trên Đường sách TPHCM đã chuẩn bị hàng trăm đầu sách hay để cùng giới trẻ đón mùa hè. Thế nhưng giờ đây họ cứ bày sách ra rồi lại dọn sách vào. Sự trống vắng không phải là do thiếu bóng người mà do nhóm bạn trẻ tìm đến quầy sách cũ, chọn góc đẹp, rút cuốn sách lật dở từng trang, diễn nét mặt ưu tư để… chụp hình rồi rời đi. Lượng khách mua sách chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thảm nhất là những tiệm sách online. Trước đây, mỗi ngày chủ tiệm đưa lên cả chục đầu sách, chỉ sau vài giờ đã có hàng chục lượt bình luận và đặt mua. Giờ trái ngược hoàn toàn, lượng người theo dõi vơi dần, cũng chỉ còn vài ba bình luận vu vơ chẳng ăn nhập gì tới cuốn sách. Bởi vậy mà nhiều hội, nhóm yêu sách cũ và tiệm sách cũ online đã ngưng hoạt động vài tháng nay.
Anh Nguyễn Nhật Tiến, chủ tiệm sách cũ online NT, trăn trở: “Tôi có công việc ổn định, tiệm sách cũ online chỉ là ngôi nhà chung cho những người yêu sách cũ chứ không vì mục đích kinh doanh. Dạo gần đây, khi các ngày hội sách cũ thưa dần, các bạn trẻ cũng không mấy hào hứng với sách cũ nên tôi ít giới thiệu sách hay, lâu lâu đưa lên một vài đầu sách để trang đỡ đóng “mạng nhện”. Trước đây tôi từng nghĩ, ở thời đại công nghệ bùng nổ, sách điện tử, sách mới tràn ngập mà sách cũ vẫn còn chỗ đứng trong lòng độc giả trẻ thì nó sẽ bền, không ngờ nó nhanh tỏ cũng chóng tàn đến vậy”.
Trần Thanh Hương, sinh viên Đại học Sài Gòn, tâm sự: “Lúc trước tôi cũng thử đọc những cuốn sách cũ văn phong hơi lạ lẫm và khó “nhằn” hơn tôi tưởng. Loay hoay tiếp cận và nhận thấy văn phong của các dịch giả, tác giả sau này có lẽ hợp với lứa tuổi của mình hơn nên tôi trở lại với sách mới”.
Tâm sự của Thanh Hương cũng là tâm sự của nhiều bạn trẻ hiện nay, bởi sách cũ không phải dễ đọc, nó được dịch bởi những dịch giả nổi tiếng của thế hệ trước với những câu chuyện mà không phải ai đọc lần đầu cũng hiểu ngay. Bởi vậy, từ tiếp nhận trở lại đến gắn bó là cả một hành trình dài đòi hỏi người trẻ phải kiên trì tìm hiểu giá trị tri thức và giá trị văn hóa của những giai đoạn lịch sử mà sách cũ đã đi qua. Thế nhưng, những năm qua, dường như sự trở lại của sách cũ trong lòng giới trẻ như một trào lưu được hình thành sau mỗi ngày hội sách cũ, vì vậy khi thoái trào, sách cũ lại lặng lẽ đứng bên lề cuộc sống của người trẻ.