Chuyện biển, chuyện nghề
Sáng sớm, ở cửa biển Lạch Cờn (phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An), ngư dân Hồ Văn Toan (63 tuổi, thôn Quyết Tiến, phường Quỳnh Phương) cho thuyền cập bờ. Từ 12 giờ đêm hôm trước, một mình ông Toan đã ra khơi, đánh bắt ngoài cửa lạch tầm hơn 1 hải lý. Trước, ông chuyên đánh bắt xa bờ, những năm gần đây “nghỉ hưu” ở nhà buồn tay buồn chân, nhớ nghề nên sắm một thuyền nhỏ 15 triệu đồng ra khơi. “Mua giúp ông già với chú ơi!”, ông Toan cười khà khà rồi bắt đầu gỡ lưới, đúng ra là bươi đống lưới, để tìm thành quả ít ỏi mà mình vừa thu hoạch được. Ông Toan than: “Giờ nguồn sống đang cạn kiệt hết rồi chú ơi. Tàu giã cào, giã ốc (kéo ốc mỡ), rồi lưới bát quái, xung điện càn quét, quét hết từ con to tới con nhỏ. Con đang có trứng cũng bắt, mới đẻ cũng bắt thì lấy đâu có thế hệ tiếp nữa. Tui đang lo sắp tới không biết sống bằng chi vì già rồi”.
Sau chuyến ra khơi, anh Trần Văn Đức (thôn Thắng, xã Quảng Nham, Quảng Xương, Thanh Hóa) lại ngồi đan lồng đánh ghẹ. Từ tháng 3 đến tháng 7, 8 âm lịch, anh đánh bắt ghẹ; các tháng còn lại đánh bắt tôm tít, câu cá mú. Anh Đức cho biết, ngày trước ghẹ ngoài khơi Thanh Hóa rất nhiều, nhưng giờ phải ra tận Quảng Ninh, Hải Phòng đánh bắt.
Ông Nguyễn Văn Chung, Trưởng thôn Hải Thịnh (xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) kể, ngày trước làng biệt lập với bên ngoài, phụ nữ làm lúa, đàn ông đi biển. Ngư trường của làng chủ yếu từ đảo Mắt đổ vào. “Cá vùng biển quê tôi sinh sản vào tháng 2, 3 âm lịch. Xưa kia đây là vùng biển yên tĩnh để chúng sinh sản, nhưng bây giờ bị khuấy lên, bị đánh mìn, giã cào, ô nhiễm, nên nguồn ngày càng cạn kiệt cũng là dễ hiểu. Bãi biển quê tôi đẹp, hoang sơ, nhiều khách ghé thăm mê lắm, nhưng giờ cũng tan cả rồi”, ông Chung thở dài.
Lao động nghề biển giờ phần lớn chỉ người lớn tuổi, có người 70-75 tuổi vẫn đi biển, trong khi thanh niên lo làm nghề khác ở tứ xứ.
Dân biển thoát ly nghề biển
Mỗi lần nhắc đến nghề biển, ông Trần Ngọc Châu (72 tuổi, ở thôn Thanh Sơn, xã đảo Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) lại buồn. Câu “thần chú” của người làng biển “biển được thì tôi mới được” dường như không còn linh nghiệm. Ông kể: “Ngày trước, tôi chỉ ra vịnh Nghi Sơn đặt te bẫy là đã có ăn. Còn ra khơi xa một chút, chúng tôi hay nói vui là một ngày làm một tháng ăn. Nhưng bây giờ thì hết rồi!”. Xã đảo Nghi Sơn xưa 100% người dân làm nghề biển. Người dân nơi đây sống chết nhờ biển, “mũi thuyền gác bên hông nhà”. Những năm gần đây, nghề biển gặp nhiều khó khăn, đặc biệt sản lượng đánh bắt giảm mạnh nên nhiều người không muốn đi biển, một số chủ tàu phải “bán nghề”, tức bán luôn tàu không làm nghề nữa. Khu Kinh tế Nghi Sơn mở ra, nhiều cơ hội việc làm ổn định đã hút người đi biển. Ví dụ, một đôi vợ chồng trẻ đi làm công nhân bình quân 7 triệu đồng/tháng/người. Đây là nguồn thu nhập ổn định, trong khi đi biển bấp bênh, chồng ra khơi thì vợ ở nhà “hồn treo cột buồm”.
Chúng tôi tìm về làng Đại Đồng (xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) gặp ông Trần Ngọc Cảnh, nghe ông kể: Xã Cương Gián những năm 1989-1990 có tới hơn 1.000 tàu thuyền, đến nay chỉ còn 300 chiếc. Bây giờ, lao động đi biển chỉ còn người từ 40 tuổi trở lên, thậm chí trên 70 tuổi. Cả xã có 2.700 người đang lao động ở nước ngoài. Đi xuất khẩu lao động cho thu nhập cao, mỗi tháng có người gửi về 80 - 90 triệu đồng, cá biệt có người gửi về 120 - 130 triệu đồng. Có người bị “bể” lô đề, nợ tiền tỷ, đi xuất khẩu lao động 3 năm trả được nợ, xây được nhà 3 tầng. Nhưng cũng có người 50, 60 tuổi vẫn phải tha phương xứ người, có người đi 20 năm chưa về quê một lần. Có gia đình, vợ nhớ chồng phải đi thăm, sau đó lại về một mình. Bây giờ, đi họp phụ huynh cho các cháu toàn thấy ông bà, còn bố mẹ thì “bận công tác xa”. Ông Cảnh nén tiếng thở dài: “Mọi sự do cái ăn, cái mặc cả thôi. Nếu nghề biển cho thu nhập ổn định thì chẳng ai muốn xa vợ con, xa nhà làm chi”.
Làng đang dần bị “xâm thực”
Các làng biển miền Trung vốn yên bình, hoang sơ đã và đang dần bị “xâm thực” bởi các dự án du lịch, phát triển kinh tế; bởi nợ nần do nghề biển ngày càng khốn khó. Thôn Hải Thịnh (xã Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An) nằm khuất sau các dãy núi Chuồng Gà, núi Mâng, Mũi Cò. Ngày trước, để vào được thôn chỉ có con đường duy nhất là men theo một bên là núi, một bên là biển. Nơi đây là một chốn yên bình và tuyệt đẹp với các bãi biển như: bãi Hàu, bãi Chuối, bãi Làng… Chính vì vị trí đắc địa, vẻ đẹp hoang sơ nên nơi đây đã thu hút một dự án du lịch sinh thái lớn. Nhưng, từ năm 2013 đến nay, dự án này vẫn “án binh bất động”.
Ông Nguyễn Văn Chung, Trưởng thôn Hải Thịnh lắc đầu ngao ngán: “Nếu dự án du lịch sinh thái của Công ty Thành Phát (trụ sở tại Hà Nội) triển khai đúng tiến độ thì làng chúng tôi đã không bị xi măng lấn vào. Dự án du lịch sinh thái đã đền bù cho dân gần 8 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, nhưng không hiểu sao vẫn chưa triển khai. Giờ ô nhiễm lắm”. Dự án không chỉ gây ô nhiễm cho người mà còn ảnh hưởng đến ngư trường. Mỗi lần đào, khơi thông luồng lạch, người ta lại xục tầng đáy lên, bụi bặm từ trạm nghiền xi măng, từ đào núi lấn biển khiến cá tôm không còn môi trường sống.
Đến thôn Tân (xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bắt gặp nhiều biển ghi họ tên, số điện thoại ở các khu đất trống. Tưởng quảng cáo bán đất, nhưng tìm hiểu mới hay, đây là cách để chủ đất liên lạc với chủ dự án khu du lịch khi họ đến đo đạc. Ngoài thôn, hướng giáp biển, một con đê chắn sóng mới hoàn thành. Một nhóm người dân đang phơi cá cơm, nghe tôi khen con đê làm bãi biển đẹp, một phụ nữ trung tuổi nói: “Đúng là đẹp thật, nhưng không biết làm cho dân hay làm cho chủ dự án du lịch. Con đê kè này mới được Nhà nước đầu tư 100 tỷ đồng để chắn sóng cho thôn Tân vì bị sóng xâm thực. Nhưng đê vừa làm xong thì chủ dự án du lịch cũng vào”.
Năm 2004, gia đình lão ngư Nguyễn Văn Thương ở trong thôn Đông (xã Quảng Nham) ra xóm Tân và được cấp 200m2 đất ở. Trước Tết Tân Sửu vừa qua, khi đang đánh bắt cá trên biển, ông nghe vợ gọi điện thông báo người ta đến đo đạc đất, chuẩn bị di dời. Tết về, ông mới biết, không chỉ nhà ông mà cả thôn Tân phải di dời để nhường chỗ cho dự án du lịch nghỉ dưỡng.
Ông Vũ Hoàng Anh, Bí thư kiêm Trưởng thôn Tân, cho biết: “Năm 2001, thực hiện chủ trương di dân, người dân ở các thôn phía trong thuộc xã Quảng Nham đã ra vùng đất hoang nơi giáp cửa sông Yên và biển để sinh sống. Đến nay, thôn có 180 hộ với trên 700 nhân khẩu, 80% dân làm nghề đi biển. Chủ trương nhường đất cho Công ty CP ORG thực hiện dự án khu đô thị, du lịch đã được phổ biến từ năm 2017. Mặc dù có chủ trương đã 4 năm, nhưng đến tháng 1-2021 mới tiến hành đo đạc. Trong 4 năm bị “treo”, dân không được làm nhà cửa, các công trình phúc lợi cũng không được xây dựng. Thực tình là chúng tôi không muốn đi, vì ở đây đất rộng, cuộc sống đã ổn định rồi. Còn nếu dự án triển khai thì triển khai sớm, chứ sống thấp thỏm thế này khổ lắm!”.
Ông Hồ Xuân Hường, Chủ tịch UBND phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An), phát biểu: Chính quyền địa phương, các bộ ngành trung ương cần có sự phối hợp chặt chẽ để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế biển. Lâu nay chủ trương, chính sách đã có nhưng việc triển khai đến các làng biển, cụ thể là đến với từng ngư dân còn mờ nhạt. Cùng với đó cũng cần quy hoạch, đào tạo và hình thành lực lượng ngư dân giỏi, hiện đại, đảm đương vai trò là “những cột mốc sống” giữa biển Đông của Tổ quốc. |