Đây không phải lần đầu tiên môn Lịch sử gây nhiều chú ý trong dư luận, mà trước đó nhiều năm, sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT tổ chức, môn học này luôn “đội sổ” trong xếp hạng điểm trung bình các môn thi.
Mới đây nhất, kết quả kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm học 2021-2022 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, môn Lịch sử tiếp tục nằm trong nhóm 2 môn thi có điểm đoạt giải thấp nhất. Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, do cách dạy môn học này còn khô khan, cộng với chương trình học quá nặng về kiến thức hàn lâm dẫn đến tình trạng học sinh học và thi với tâm thế đối phó.
Theo chia sẻ của một giáo viên môn Lịch sử ở quận Tân Phú (TPHCM), không chỉ với riêng môn Lịch sử, mà ở tất cả môn học khác, dạy học theo dự án chỉ lấy điểm kiểm tra một tiết hoặc giữa kỳ, còn điểm kiểm tra cuối học kỳ thì học sinh vẫn phải làm bài kiểm tra theo 2 hình thức truyền thống là tự luận hoặc trắc nghiệm để rèn kỹ năng làm bài theo hướng ra đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT. Do đó, dù giáo viên đổi mới phương pháp dạy nhưng vẫn bị ràng buộc bởi yêu cầu đảm bảo chuẩn kỹ năng, kiến thức cho học sinh thi tốt nghiệp.
Ở góc độ khác, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) dẫn chứng, khi học về Cách mạng Tháng Tám, điều truyền cảm hứng cho học sinh là nạn đói diễn ra thế nào, hậu quả ra sao, để lại suy nghĩ gì trong lòng thế hệ trẻ chứ không phải thuộc lòng máy móc, con số thương vong qua từng trận đánh, số lượng vũ khí thu được, hay rất nhiều số liệu về ngày, giờ, tháng, năm… Nói cách khác, sách giáo khoa cần được biên soạn theo hướng thay đổi cách tiếp cận môn học đối với học sinh, cân nhắc lựa chọn những câu chuyện có thể truyền cảm hứng cho người học hơn là đặt nặng yêu cầu truyền tải kiến thức thông qua các con số, sự kiện lịch sử. Hình thức kiểm tra, đánh giá môn học cũng cần điều chỉnh theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, khả năng phân tích, suy nghĩ của người học về các sự kiện lịch sử chứ không kiểm tra dữ liệu đơn thuần.
Như vậy, để môn Lịch sử không còn là gánh nặng thi cử, các trường phổ thông cần tạo điều kiện để giáo viên dạy lồng ghép thực tế thông qua các hoạt động ngoại khóa như tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, công trình kiến trúc, văn hóa, tăng cường tư liệu dạy học thông qua sơ đồ, bảng biểu, video clip giúp dạy học trở nên trực quan, sinh động. Ở cấp độ quản lý, hình thức kiểm tra, đánh giá cần sớm điều chỉnh phù hợp hơn với thực tế. Một khi môn học truyền được cảm hứng cho người học thì việc xếp vào môn tự chọn hay bắt buộc không còn là vấn đề lớn.