Những đứa trẻ bơ vơ
Một video clip vừa được đưa lên mạng, trong đó có hình ảnh một cặp vợ chồng còn khá trẻ, đi xe hơi. Có lẽ họ mâu thuẫn điều gì đó nên dừng xe, cãi nhau to, thậm chí cả hai bỏ ra khỏi xe, cãi vã, xô đẩy lẫn nhau.
Chuyện sẽ chỉ dừng lại ở một cuộc tranh cãi nếu không có hình ảnh cậu bé con, chắc tầm khoảng 4 tuổi. Đứa bé ngơ ngác đứng nhìn cha mẹ gào thét la hét, có lúc nó níu mẹ, nhưng bị gạt ra, có lúc nó chạy lại cha nhưng cũng không đến gần được. Hình ảnh cậu bé đứng nép mình sau chiếc xe nhìn cha mẹ, những người cậu yêu thương nhất đang hùng hổ với nhau, bỏ mặc cậu đứng một góc không khỏi khiến nhiều người xúc động.
Hoàng Anh, sinh năm 1983, ngụ tại TPHCM, chia sẻ trên diễn đàn làm cha mẹ sau khi xem hình ảnh trên. Anh kể, thời mới lập gia đình anh và vợ rất hạnh phúc, nhưng sau khi có đứa con đầu lòng, gia đình có nhiều thay đổi. Áp lực cuộc sống tăng lên, vợ anh thường xuyên cáu gắt chồng vì những chuyện nhỏ nhặt, không đâu.
Còn anh cũng hay bực mình, cự lại với vợ, khó chịu với những điều không hài lòng trong gia đình. Những lúc vợ chồng cãi nhau, đứa con hơn 2 tuổi đều chứng kiến nhưng cả hai vợ chồng đều không mấy quan tâm, bởi nghĩ con còn quá nhỏ, chưa hiểu gì, cho đến một hôm, cả hai đang hăng hái cãi nhau bé bất ngờ òa khóc, rồi lịm đi, hai vợ chồng sợ quá, đưa con đi khám.
Khám xong, bác sĩ cho biết, do nhìn thấy hai vợ chồng cãi nhau mà tâm lý con bị ảnh hưởng nặng, rơi vào trạng thái rối loạn tâm lý, may mà còn nhẹ. Bác sĩ khuyên nếu không thể dung hòa thì ít nhất cũng tránh cãi nhau trước mặt con nữa nếu không sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý con cái.
Câu chuyện của Hoàng Anh không phải câu chuyện hiếm, nhiều bậc cha mẹ thường xuyên cãi nhau trước mặt con cái và họ không lường trước được hậu quả khi tâm lý con cái sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Thậm chí chúng sẽ bắt chước và học theo thái độ “xấu xí” đó.
Như trường hợp của chị Hồng Phượng, làm việc tại một NXB lớn ở TPHCM. Chị kể, hai vợ chồng chị mâu thuẫn nghiêm trọng, thậm chí nguy cơ tan vỡ hôn nhân. Những cuộc tranh cãi ngày càng ác liệt, dữ dội thậm chí có khi còn chuyển qua dùng vũ lực. Cứ sau mỗi lần như vậy, chồng chị bỏ ra khỏi nhà còn chị thì ôm cô con gái 5 tuổi để khóc. Nhưng một hôm, sau cuộc cãi nhau, chị tìm con không thấy đâu, chạy khắp nơi tìm cũng không thấy. Hoảng sợ, chị nhờ bảo vệ tòa chung cư xem lại camera thì thấy con đi vào cầu thang thoát hiểm. Tìm trong đó, chị thấy con ngồi thu lu trên tầng cao nhất, nơi vắng lặng, tối tăm. Ôm con hỏi, bé vừa khóc vừa nói rằng con sợ lắm, con chỉ muốn ở một mình, con không muốn nhìn thấy ai nữa. Sau lần đó cả hai vợ chồng đã trò chuyện thẳng thắn với nhau và thống nhất giải quyết mọi gút mắc bằng giải pháp ôn hòa, tránh tuyệt đối tranh cải trước mặt con.
Đừng để tổn thương con nhỏ
Để con cái phát triển toàn diện, người làm cha mẹ cần có những lưu ý nhất định. Trong đó, việc vợ chồng cãi nhau trước mặt con cái là điều nên tránh. Bởi nhìn thấy cha mẹ cãi nhau nhiều sẽ hình thành nên một tâm lý không tốt cho con trẻ. Theo các chuyên gia tâm lý, không ít cặp vợ chồng vì mâu thuẫn kinh tế, tiền bạc nên thường xuyên cãi nhau. Thậm chí, họ còn “đá thúng đụng nia” trước mặt con trẻ. Họ không hề biết, chính việc đó đã vô tình khiến con trẻ bị tổn thương.
Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Benjamin Bloom trong một nghiên cứu trên hơn 1.000 trẻ về ảnh hưởng của gia đình đối với việc giáo dục trẻ em, đã nêu ra các thay đổi tâm lý của những đứa trẻ khi chứng kiến sự mâu thuẫn của bố mẹ.
Theo ông, dấu hiệu đầu tiên chính là sự lo lắng, buồn rầu của trẻ, những đứa con có cha mẹ thường xuyên cãi nhau sẽ buồn hơn, chán đời hơn hẳn so với các bạn đồng trang lứa. Giai đoạn thứ hai là sự cô đơn, dần chuyển thành tự kỷ ở trẻ thường xuyên thấy ba mẹ cãi nhau, lý do được cho là với trẻ, gia đình là tổ ấm duy nhất nên khi gia đình bị xáo trộn, trẻ có khuynh hướng trốn tránh bằng cách xây dựng một tổ ấm giả tạo khác tách rời hiện thực và dần dần trở nên ít giao tiếp, xa cách cuộc sống và những người xung quanh.
Sự tách rời này còn dẫn đến một hệ lụy khác là trẻ sẽ dần đánh mất tự tin, khi gặp khó khăn sẽ lại tìm cách thu mình vào thế giới ảo tưởng được tạo ra từ nhỏ. Ở hướng ngược lại, nhiều trẻ trong gia đình bất hòa trở nên hung hăng, một phần từ những dấu ấn bạo lực do bố mẹ tạo ra để lại dấu ấn sâu đậm trong đầu con, một phần khác là trẻ dùng sự bạo lực để mong tạo được sự chú ý, xem đó là cách khẳng định mình.
Cũng theo nhà tâm lý học Benjamin Bloom, ở ngưỡng tâm lý cực đoan nhất, khi thấy hiện thực quá bế tắc, trẻ thậm chí có xu hướng tìm đến cái chết để mong muốn giải thoát hoặc giúp bố mẹ thức tỉnh, chấm dứt xung đột. Đây cũng là hệ lụy đau lòng nhất của việc bố mẹ cãi nhau trước mặt con.
Chính vì vậy, dù biết rằng mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân là điều khó tránh khỏi nhưng thay vì chỉ chăm chăm thỏa mãn cái tôi của mỗi cá nhân, các bậc cha mẹ luôn được khuyên tránh lựa chọn giải quyết mâu thuẫn trước mặt con cái của mình. Thay vào đó, cha mẹ có thể “xử lý mâu thuẫn” khi không có con ở nhà hoặc đến một nơi chỉ có hai người. Hoặc thậm chí, thay vì chọn cách nặng nề, căng thẳng, cha mẹ có thể duy trì xử lý mâu thuẫn ở mức tranh luận, tránh chuyển thành cãi nhau. Thậm chí, chính các cuộc tranh luận còn có thể trở thành bài học cho con cái để chúng có thể hiểu và học hỏi được nhiều điều hơn.