Lúc tôi về, cả nhà đã ngồi đợi sẵn. Anh cả mặt mày nhăn nhó, thằng bốn khoát tay nói thao thao. Thằng út cúi mặt cắn hạt dưa. Ba ngồi giữa im lặng, vân vê vết sẹo dài trên bắp tay. Mỗi lần căng thẳng, ông đều sờ nắn vết sẹo do đạn lạc ấy. Điệu bộ như một đứa trẻ bị cha mẹ trách phạt.
Thực ra ba chỉ muốn mời cô Điền về chung nhà cho có bầu có bạn. Tôi nhớ đã có lần gặp cô. Năm chúng tôi còn nhỏ, vào đúng mùa chôm chôm chín rộ. Mẹ vẫn chạy thận ở Hà Nội, anh cả đã đi học xa, nhà chỉ có mấy ba con xoay xở thu hái giống chôm chôm nhiều kiến vống. Ba gùi một gùi chất đầy chôm chôm vượt quá đầu, vừa chạy như bay về nhà thì sững lại, nhìn người phụ nữ đang đứng đợi giữa sân. Ông ngơ ngác: “Ơ, cô Điền phải không!”, rồi đứng như trời trồng, mặc kệ đám kiến hăng máu, chui cả vào tóc, vào áo mà cắn. Thằng út cứ đứng oang oang gọi: “Ba! Đây! Con phủi kiến cho”. Nghe tiếng gọi của con, ba như tỉnh một cơn mê, hất chiếc gùi xuống, ngượng ngùng mời khách vào nhà. Cô Điền lấy ra trong tay nải một lá thư của mẹ cùng bịch kẹo bốn mùa cho chúng tôi.
Mãi sau này, mẹ về, nghe bà nhắc đến người phụ nữ tên Điền, tôi mới nhận ra mùa chôm chôm ấy, ba đã gặp lại mối tình đầu. Mẹ kể, ba, mẹ và cô Điền là người cùng làng, lớn lên cùng nhau, cứ mày mày, tao tao chí chóe. Vậy mà về sau, ba và cô Điền phải lòng nhau. Tình cảm chưa kịp tỏ bày thì ba đi bộ đội, cô Điền cũng đi thanh niên xung phong. Vào kỳ nghỉ phép, ba được về làng mấy ngày, ông bà nội khuyên con trai tranh thủ lấy vợ, ông bà nhắm sẵn một mối trong làng, chính là mẹ.
Hết chiến tranh, ba trở về với một vết sẹo dài trên cánh tay. Cô Điền cũng mang một vết sẹo dọc bắp chân, mãi mới chịu lập gia đình ở cái tuổi đã quá lứa lỡ thì, sinh được một cô con gái. Chồng mất sớm, cô một mình nuôi con. Ba mẹ tôi thì dắt díu nhau vào miền Nam đi kinh tế mới, sinh liền tù tì bốn thằng con trai.
Cuộc sống đang “sông bằng nước cạn” thì mẹ đổ bệnh, tay chân sưng phù, đi bệnh viện khám mới phát hiện bị suy thận. Thời ấy, nơi chúng tôi ở, bệnh viện chưa có máy móc, mẹ phải ra tận Hà Nội chạy thận hơn chục năm trời. Tình cờ, mẹ gặp lại cô Điền ở đó, mừng mừng tủi tủi. Nghe cô nói con gái đã lớn, được thảnh thơi, sắp cùng hội cựu chiến binh đi dọc Bắc Nam thăm chiến trường xưa, mẹ gửi cô lá thư và bịch kẹo, để nếu tiện đường thì trao cho ba con tôi.
Những năm ấy, ba lao vào làm việc để kiếm tiền gửi ra cho mẹ chạy thận, rồi nuôi bốn thằng con đang tuổi ăn học. Nhiều đêm, các con ngủ, ông vẫn ra vườn cuốc đất. Chiếc áo ông mặc hôm cô Điền đến thăm là một chiếc áo lao động sờn cũ, cổ áo đã gần rớt ra khỏi vai, chỉ có vài sợi vải kéo lại. Tôi ngồi ngoài sân vặt chôm chôm, thỉnh thoảng nhìn vào trong lại thấy ông bối rối đưa tay lên bụm lại chỗ rách.
Ba tôi sống một quãng đời lặng lẽ, suốt khoảng thời gian mẹ đi chạy thận ở Hà Nội, rồi từng đứa con đi học xa nhà. Những món ăn trường kỳ chỉ có cơm với cá khô, rau luộc. Thỉnh thoảng anh em tôi về nhà thăm, nhăn mặt bảo ông hôm nay đừng ăn khô cá nữa. Ông cười cười lôi ra một bịch khô cá khác “đổi món”. Sau này, bệnh viện tỉnh có máy chạy thận, mẹ được chuyển về đấy cho gần ba. Nói là gần, nhưng ba phải thuê trọ ở thành phố, cạnh bệnh viện. Mỗi cuối tuần, ba tay xách nách mang bắt xe lên thành phố thăm mẹ.
Bệnh của mẹ chỉ duy trì sự sống bên chiếc máy chạy thận. Bà cố được mười mấy năm thì gặp cơn tai biến. Đến những giây phút cuối đời cũng chỉ có ba túc trực. Ba không khóc, nhưng nhiều ngày trời, ông ngồi lặng lẽ ở cuối vườn, nhìn về phía ánh mặt trời đỏ oạch đang dần dần tắt.
Về sau, ba tôi tìm được một thú tiêu khiển mới bên bể cá mới lắp ở phòng khách. Ông thả vào đấy đám cá bảy màu và vài cây rong rêu - loài cây cần chăm sóc kỹ càng, chỉ cần lơ là một ngày, rêu đã ra những tua dài xanh trắng. Ba dành bao nhiêu thời gian cho đám rong rêu ấy. Những lúc chẳng cần chăm sóc gì, ông vẫn lặng người ngồi im trước bể cá như bị thôi miên.
Sau đám giỗ đầu của mẹ được ít lâu, ba bất ngờ ngỏ ý hỏi các con chuyện “rổ rá cạp lại” với cô Điền. Ba gặp lại cô trong lần về quê xây mộ cho ông nội. Cô Điền bây giờ cũng sống một mình. Con gái đi du học nước ngoài rồi định cư luôn, cô lủi thủi “cơm niêu nước lọ”. Hoàn cảnh của ba và cô đồng cảm, cũng coi như nối lại mối duyên dang dở. Nhưng anh em tôi, nhất là anh cả và thằng bốn, phản đối kịch liệt cuộc tái hôn này vì thấy “tủi
hờn thay mẹ”.
Bữa cơm chiều ba mươi Tết, cả nhà tôi quây quần. Anh cả nâng ly, cười cười, nói bóng gió: “Đấy, nhà mình đông vui thế này, ba lại sợ cô đơn nỗi gì”. Ba nhỏ nhẹ: “Các con đâu thấy cảnh bao nhiêu năm qua ba ngồi ăn cơm một mình, phải không?”. Hết tết, ba tiễn từng đứa con ra cổng, xua tay: “Thôi, xuống thành phố lo làm ăn, đừng lo gì cho ba”. Tôi nhìn bóng ông xiêu vẹo, đơn độc trông theo các con, tự nhiên thấy đau lòng. Cả đời ông không bao giờ trách phạt anh em tôi, cũng chẳng bao giờ phản đối vì chúng tôi yêu ai, cưới ai. Nhưng đến cuối cùng, hạnh phúc của ông lại do anh em tôi quyết định.
Một hôm, sau khi suy nghĩ rất lâu, tôi gọi điện về khuyên ba nên mời cô Điền về ở cùng: “Nếu ba muốn, tụi con sẽ tổ chức đám cưới nhỏ gọn cho ba”. Đầu dây bên kia, ba im lặng một lúc rồi khó khăn thốt ra được 3 từ: “Cảm ơn con”. Nhưng kể cả được chúng tôi đồng ý, mối duyên của ba vẫn không thành. Nghe đâu, con gái cô Điền không cho mẹ đi thêm bước nữa.
Dạo này, mỗi lần về thăm ba, tôi nhận ra ông già đi thật nhanh. Vai ông xụp xuống, tóc rụng nhiều, ánh mắt như phủ một làn sương mờ đục. Bao nhiêu năm vất vả, dáng ông lúc nào cũng chúi về trước như sắp ngã. Ông vẫn ngồi hàng giờ bên bể cá, chỉ đợi rong rêu dài ra một chút là đứng dậy, cầm kéo cắt. Ba tỉ mẩn, chăm chú làm công việc đơn điệu ấy, như thể nếu lơ là, nỗi cô độc cũng như rong rêu, quây trói và nuốt chửng lấy mình.