Ray rứt vì người nghèo
Cô Hoài Trinh đang là giảng viên khoa Kinh tế, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM. Cô còn nhận tham gia thỉnh giảng tại một số trường đại học uy tín tại TPHCM và các tỉnh thành khác. Bên cạnh đó, cô còn sở hữu thương hiệu Trynh House chuyên cho thuê nhà do cô sáng lập và điều hành.

Cô Trinh cho biết thêm: “Ba tôi tên Nguyễn Văn Nhứt, hàng xóm quen gọi là ông Út Nhứt. Trước đây, gia đình tôi ở huyện Nhà Bè. Sinh tôi ra hơn 1 năm thì ba tôi dọn nhà về một con hẻm nhỏ trên đường Dương Bá Trạc. Khi ấy quận 8 chưa phát triển như bây giờ. Đường Dương Bá Trạc vẫn còn là ruộng đồng bát ngát, ao hồ mênh mông. Mặc dù gia đình không khá giả gì, nhưng hễ nghe trong xóm có ai đó khó khăn hay nhà người nào có hữu sự… thì ba tôi lại đến tận nơi hỗ trợ, giúp đỡ. Ông thường đưa tôi đi làm những việc thiện nguyện như thế. Cứ mỗi lần như vậy, khi trở về nhà, tôi thấy ba tôi rất vui, ánh mắt tràn đầy niềm tin và hạnh phúc. Ba tôi nói việc làm của ba là để đức cho con, cho cháu. “Tam tòng, tứ đức”, má tôi thuộc dạng “người xưa” và lấy câu chữ, lời dạy này làm đầu. Do vậy, nhiều lúc trong nhà tuy thiếu thốn… nhưng thấy ba tôi hạnh phúc, má tôi cũng vui lây!”.
Sau khi ba cô Trinh mất, việc khó khăn của người nghèo vẫn còn không ít. Nhiều người chạy đến tìm ông Út Nhứt nhờ hỗ trợ, nhưng rồi lại tiu nghỉu ra về. Cô Trinh đã chứng kiến những ánh mắt thất vọng của bao người khó khăn. Do vậy, trong nhiều đêm tĩnh lặng, ngồi soạn giáo án… cô Trinh đã quyết định sẽ nối bước của ba!
Thành phố chuyển mình phát triển, các công trình giao thông đã hỗ trợ tích cực việc đô thị hóa nhanh các quận vùng ven và đánh thức tiềm năng phát triển văn hóa, kinh tế xã hội. Cầu Nguyễn Văn Cừ nối liền quận trung tâm và quận 8. Đường Dương Bá Trạc được mở rộng nối liền các khu đô thị mới. Khu đất ven rạch Ông Lớn trong con hẻm nhỏ của gia đình cô Trinh được xây dựng thành khu nhà trọ mang thương hiệu Trynh House khá khang trang.
Cô Trinh cho biết thêm: “Anh em hòa thuận và có công ăn, việc làm đàng hoàng, có thu nhập ổn định. Đây có lẽ là “cái đức” mà ba tôi đã gầy dựng cho con, cháu bao năm qua. Giờ đây, tôi đã thực hiện được ước nguyện của mình: nối bước của ba!”.
Trao đi bằng cả tấm lòng
Từ ấp ủ ấy, cô Trinh đã tiếp xúc và tìm kiếm những trường hợp khó khăn xung quanh mình. Khi có thông tin, cô liền dành thời gian tìm đến tận nơi để tìm hiểu, giúp đỡ. Không những giúp những người đang gặp khó khăn ở xa, cô Trinh còn quan tâm hỗ trợ những người đang thuê phòng trọ của mình.
Anh Đỗ Hồng Phúc, người thuê nhà của cô Trinh, cho biết: “Tôi ở quê lên thành phố học. Để tiện việc đi lại, tôi tìm thuê phòng ở gần trường. Rất may là tôi đã thuê được phòng của gia đình cô Trinh. Tiền phòng trọ không cao hơn nơi khác, các dịch vụ ở đây rất tốt. Thời điểm dịch Covid-19, cô Trinh còn hỗ trợ giảm 30% tiền nhà, khi dịch bệnh kéo dài, cô Trinh giảm đến 50%, rồi lại giảm 70%. Tết vừa rồi, cô Trinh còn tặng mỗi phòng một phần quà”.
Chị Đặng Thị Lượm, nhân viên làm việc tại Trynh House, nói thêm: “Cô Trinh luôn quan tâm đến các nhân viên và thường có những phần quà chia sẻ, chúng tôi rất vui khi được làm việc tại đây”.
Ngoài công việc giảng dạy hàng ngày, cứ có chút thời gian, cô Trinh lại tìm kiếm thông tin. Khi biết nơi nào có khó khăn, trở ngại, cô sẽ tìm đến, dù là cơ sở bảo trợ xã hội ở miền núi hay mái ấm tình thương ở tỉnh, thành. Mới đây, chúng tôi đã đi cùng cô Trinh đến Mái ấm tình thương Phúc Lâm (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Trên đường đi, cô điện thoại liên hệ với thầy Thích Như Lâm (chủ mái ấm tình thương) để hỏi thăm 1 tấn gạo mình đặt hỗ trợ đã được đại lý giao chưa, số gạo này có đủ cho mái ấm dùng trong tháng hay không? Thế là sau cuộc gọi, cô đặt thêm 500kg gạo nữa.
Cô Trinh nói: “Thực phẩm có thể thiếu, nhưng gạo thì phải đủ. Thầy nói trong kho của mái ấm chỉ còn hơn 100kg gạo. Mái ấm đang nuôi dưỡng hơn 100 cháu. Tính luôn các cô, chú bảo mẫu, nấu ăn, phục vụ là hơn 150 người. Mỗi ngày mái ấm sử dụng gần 50kg gạo. Tôi hỗ trợ 1,5 tấn gạo để mái ấm có gạo ăn trong tháng. Tôi sẽ tính toán và quay lại mái ấm này thường xuyên hơn để chia sẻ, hỗ trợ thầy nuôi dưỡng và hy vọng các cháu sẽ trở thành những người có ích cho xã hội!”.
Khi nghe tin chùa Phước Tâm (xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi) bị cháy, cô Trinh kêu gọi những người bạn thân cùng đến để hỗ trợ cúng dường xây chùa. Cô Trinh còn giúp Mái ấm Thiện Duyên (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi) 1 tấn gạo và nhiều quần áo cho các em nhỏ. Nơi đây cũng nuôi nhiều trẻ mồ côi, bệnh tật và người già không nơi nương tựa. Dịp tết 2025 vừa qua, cô Trinh đến chùa Quan Âm (Bến Bình Đông, quận 8), chùa An Linh (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), chùa Bạch Ngọc (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai)… để cúng dường xây chùa.