San sẻ yêu thương
Ngập ngừng một chút trước cửa gian hàng “Chia sẻ yêu thương” trong khuôn viên BV Nguyễn Tri Phương, bà Nguyễn Thị Năm (56 tuổi, ngụ Vĩnh Long) mới mạnh dạn bước vào trong. Khi trở ra, bà chọn được 2 bộ quần áo cho mình và chồng với giá 20.000 đồng.
“Chồng tôi bệnh, bữa rồi phải chuyển viện gấp nên tôi không kịp lấy theo quần áo. Nghe mấy cô nuôi bệnh chung phòng nói có gian hàng này, nên tôi ghé qua mua bộ đồ mặc tạm”, bà Năm cho biết.
Khai trương từ đầu tháng 9-2020, thời gian qua, gian hàng “Chia sẻ yêu thương” đã tiếp hàng trăm lượt người đến chọn món hàng cần thiết và phù hợp với mình. Các mặt hàng tại đây rất đa dạng: quần áo, giày dép, túi xách, ví, đồ điện gia dụng, đồ dùng sinh hoạt, đồ chơi thiếu nhi… do nhân viên y tế và mạnh thường quân quyên góp.
Sau khi phân loại, hàng được đưa lên kệ miễn phí hoặc các kệ bán với giá 5.000-50.000 đồng cho những người có nhu cầu. Tiền thu được sẽ đưa vào Quỹ hỗ trợ bệnh nhân khó khăn của bệnh viện.
Theo bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, gian hàng không chỉ góp phần tạo nguồn quỹ chăm lo người bệnh khó khăn, giúp họ giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị, ăn ở mà còn là nơi thể hiện tinh thần tương thân tương ái, nơi mọi người đóng góp sẻ chia với những khó khăn, đau đớn của người bệnh và thân nhân họ.
Hệ sinh thái chăm sóc người bệnh
Những năm qua, bên cạnh nỗ lực phát triển chất lượng khám chữa bệnh, BV Nguyễn Tri Phương còn chăm chút xây dựng một “hệ sinh thái chăm sóc người bệnh”, giúp bệnh nhân khó khăn an tâm điều trị.
Đưa chúng tôi xem rất nhiều hình ảnh về hoạt động của nhóm Từ tâm trên Viber của mình, bác sĩ Võ Đức Chiến nói vui, trên nhóm này, ông là “người ăn xin”. Cũng phải, bởi hầu hết thông tin bác sĩ Chiến đưa lên xin hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo, rất nhanh sau đó đều nhận được sự phản hồi tích cực của các mạnh thường quân. Đó là một trong nhiều cách thức mà BV Nguyễn Tri Phương đã làm để tạo nguồn hỗ trợ bệnh nhân nghèo không đủ khả năng theo đuổi quá trình điều trị.
Ngoài ra, BV còn phối hợp Quỹ Tâm nguyện Việt hỗ trợ một phần chi phí ban đầu đối với những trường hợp bị tai nạn hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khi nhập viện cấp cứu không có thân nhân, không tiền tạm ứng.
Thấu hiểu gánh nặng chi phí điều trị mà người nghèo phải gánh, BV đã đưa ra chương trình bữa ăn tặng bệnh nhân. Theo đó, người bệnh được nhận bữa ăn đúng dinh dưỡng cần thiết, người nhà bệnh nhân cũng được hỗ trợ suất ăn.
Cách đây vài năm, một bệnh nhân làm nghề chạy xe ôm nhập viện, nhưng ông cứ nài nỉ xin về với lý do là lao động chính, nằm viện vài ngày thì cả nhà sẽ chết đói. Trăn trở trước nhiều hoàn cảnh tương tự, ban giám đốc BV đã thành lập Câu lạc bộ “Tình người Sài Gòn” tặng một phần phí sinh hoạt hàng ngày cho bệnh nhân nghèo.
Chứng kiến nhiều bệnh nhân xuất viện không có tiền về quê, thậm chí có người bệnh không may qua đời, người thân không có tiền đón xe đưa về, BV lại đề ra chương trình “Chuyến xe tiễn một đoạn đường”. Sự quan tâm, chia sẻ rất thiết thực đã giúp người bệnh nghèo ấm lòng và cảm kích.
Tất cả những hoạt động đong đầy tình yêu thương ấy, thời gian qua đã tạo nên “hệ sinh thái chăm sóc người bệnh” tại BV Nguyễn Tri Phương.
Bác sĩ Võ Đức Chiến cho biết, hành trình này luôn có sự đồng hành của hội chữ thập đỏ, đông đảo mạnh thường quân và nhất là sự chung tay của toàn thể nhân viên BV. Phòng Chữ thập đỏ, Phòng Công tác xã hội của BV là nơi mà người bệnh khó khăn có thể tìm đến. Ngoài ra, ngay tại các khoa điều trị chuyên môn, khi nhận thấy những trường hợp khó khăn cần giúp đỡ, nhân viên y tế cũng kết nối ngay để các phòng ban chức năng của BV tham gia hỗ trợ kịp thời. Bằng nghĩa cử cao đẹp chăm sóc bệnh nhân nghèo, BV Nguyễn Tri Phương đã thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy: “Lương y như từ mẫu”.
Có trường hợp một sản phụ nhập viện cấp cứu. Biết chị hoàn cảnh gia đình khó khăn, BV đã miễn chi phí điều trị. Tuy nhiên, thông tin này chưa kịp thông báo thì sản phụ đã trốn viện. Nhận thấy bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy hiểm, cần được chăm sóc, BV đã cử nhân viên tìm đến tận nhà người bệnh. “Khi biết BV tìm đến để tiếp tục hỗ trợ chứ không phải đòi viện phí, người phụ nữ ấy không kìm được nước mắt. Riêng chúng tôi cũng rút ra kinh nghiệm, khi đã có kế hoạch hỗ trợ thì phải nhanh chóng thông tin ngay cho người bệnh để họ an tâm điều trị”, bác sĩ Võ Đức Chiến chia sẻ. |