Nói được làm được
Câu chuyện bắt đầu vào giữa tháng 9-2021, khi Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đưa ra ý tưởng xây dựng một ngôi trường dành cho các em nhỏ mất cha mẹ do Covid-19. Lúc đó, ông Trương Gia Bình mong muốn tạo ra một môi trường để các em được chăm sóc, yêu thương, học tập và rèn luyện, biến đau thương thành sức mạnh, từ đó trưởng thành và góp phần xây dựng đất nước trong tương lai. Đó cũng là thời điểm những thiệt hại, mất mát do đại dịch Covid-19 ở Việt Nam gây ra lên đến đỉnh điểm, cũng là giai đoạn cả nước bắt đầu chuẩn bị bước vào “bình thường mới”, thích ứng với dịch bệnh, vượt qua khó khăn để phục hồi và phát triển kinh tế.
“Chúng tôi cam kết nhận 1.000 em mất cha mẹ và đào tạo liên tục trong 20 năm với chi phí dự kiến mỗi năm khoảng 80 tỷ đồng. Chúng tôi sẽ giúp các em học tập theo chương trình phổ thông, Đại học FPT và học lên cao hơn nếu có nguyện vọng. Trong quá trình đào tạo, chúng tôi muốn giúp các em phát huy mọi khả năng của mình. Nếu em nào giỏi công nghệ thì đi theo con đường công nghệ, giỏi nghệ thuật đi theo con đường nghệ thuật, giỏi khoa học thì làm khoa học…”, những lời ông Trương Gia Bình nói vào thời điểm đó đã mở ra niềm hy vọng nhằm chung tay xóa bớt nỗi đau mất mát.
Ngay sau đó, ông Trương Gia Bình cùng các cộng sự nhanh chóng hiện thực hóa ý tưởng nhân văn này. Đến tháng 10-2021, những nhân sự đầu tiên của dự án bắt đầu vào việc. Tiếp đó, Hope School ra đời và tọa lạc tại khu đô thị FPT City thuộc quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Tháng 2-2022, 34 em học sinh với nhiều độ tuổi, ở nhiều địa phương khác nhau được đón về đây và bắt đầu chương trình học tập. Em lớn nhất là 18 tuổi, em nhỏ nhất là 6 tuổi; tất cả được sắp xếp vào lớp học tương ứng để các em theo học nốt học kỳ 2, tiếp nối chương trình đã học tại quê nhà…
Lớn lên với yêu thương trọn vẹn
Hope School là một ngôi trường đặc biệt vì nơi đây không trực tiếp tổ chức dạy học, hay xây dựng chương trình đào tạo. Tất cả các em được phân bổ, chia về các trường học của FPT từ lớp 1 đến 12 và những cấp cao hơn ở ngay khu vực FPT City, Đà Nẵng. Tất cả được theo học theo đúng chương trình chuẩn của hệ thống trường FPT. Hope School chỉ làm nhiệm vụ tổ chức nội trú, nuôi dưỡng, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất cho các em yên tâm học tập, sinh hoạt.
Ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc Dự án Hope School, cho biết, các em được chia nhóm thành tiểu đội 12 người và việc quản lý được giao cho từng giáo viên. Sự phân chia này sẽ giúp các em quản lý, bảo ban nhau dễ hơn theo từng nhóm. Buổi sáng các em sẽ dậy lúc 5 giờ 30, tập thể dục và vệ sinh cá nhân, chuẩn bị cho một ngày mới. Bạn nhỏ nhất ở đây đang học lớp 1 cũng sinh hoạt theo nếp này như các anh chị lớn tuổi. Mỗi ngày, các em được sử dụng điện thoại 30-45 phút. Mỗi năm các em được phát 4 bộ áo quần, kèm đồ lót và áo quần mặc trong nhà. Mỗi học sinh cũng được hỗ trợ tiền tiêu vặt tùy theo độ tuổi…
Em N.L.N.T. (14 tuổi, ở TPHCM) mất ba vì Covid-19 hồi tháng 9-2021. Hiện mẹ em thất nghiệp, đang đi kiếm việc làm, anh trai cũng đang theo học một trường nghề ở TPHCM. Gia đình khó khăn nên mẹ em đã đồng ý cho em ra đây học tập. “Ước mơ của con lớn lên làm nghề công nghệ thông tin. Điều kiện học tập ở đây rất tốt. Mọi người ở đây chơi, sống với nhau hòa đồng, không phân biệt. Con coi đây như gia đình thứ hai của mình”, em T. nói.
Gặp chúng tôi sau một trận banh còn nhễ nhại mồ hôi, T.Q.B. (18 tuổi, ở quận 4, TPHCM, là học sinh lớn tuổi nhất ở đây) kể: Mẹ em mất vì Covid-19, bố làm thợ điện, gia đình khó khăn. Khoảng cuối năm 2021, những thầy cô ở Hope School tiếp xúc và thuyết phục em ra đây học. Lúc đầu ba của em cũng lo nghĩ nhiều, nhưng cho rằng tương lai của em quan trọng hơn, em cần được học hành tử tế nên đã đồng ý. Hiện B. đã học xong lớp 12 và sắp tới sẽ học Đại học FPT ở Đà Nẵng, khoa Quản trị kinh doanh. “Vừa rồi con đã được về thăm nhà, được trường lo cho vé máy bay”, B. nói trong niềm vui hạnh phúc.
Trang bị kiến thức để vươn xa
Đứng trong khuôn viên Hope School trong một chiều hanh nắng của miền Trung tháng 8, ông Hoàng Quốc Quyền chia sẻ: “Để các em có điều kiện hòa đồng, sinh hoạt cùng bạn bè và có động lực học tập tốt hơn, các em nhỏ được chia về các lớp với mỗi lớp không quá 4 em có hoàn cảnh tương đồng. Hiện đại diện FPT ở các nước đã tiếp xúc, liên hệ các trường đại học ở Mỹ và Nhật để sẵn sàng tiếp nhận các em khi lớn lên và có trình độ nhất định. Do đó, ngay từ đầu, Hope School đặt mục tiêu sẽ tập trung dạy kiến thức đủ để các em vươn xa hơn, nhất là về ngoại ngữ.
Chúng tôi vẫn đang tiếp tục công việc của mình. Từ miền núi Tây Bắc cho đến Tây Nguyên, rồi các tỉnh miền Tây…, không phải gia đình, người giám hộ nào cũng đồng ý, nhưng chúng tôi kiên trì vì mong muốn các em có tương lai tốt đẹp hơn. Chúng tôi làm tất cả với tình thương và trách nhiệm.
Với niềm hy vọng lớn hơn, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT, khẳng định: “Hope School không phải trung tâm bảo trợ xã hội, hay kiểu trường SOS. Đây là ngôi trường đào tạo học sinh thành người giỏi, có ích cho xã hội. Hope School dự kiến vận hành trong khoảng hơn 20 năm, nuôi các em đến lớp 12, đại học, thậm chí học cao hơn nếu các em có khả năng. Sau thời gian này, mô hình có thể được thay đổi và duy trì như một sự đóng góp cho xã hội”.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến đầu năm 2022, cả nước có khoảng 6.500 học sinh mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc mất cả cha lẫn mẹ do dịch Covid-19. Nhiều nhất là ở TPHCM với khoảng 2.200 em, tiếp đó là Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ và khu vực miền Trung. Để nhận 34 em lần đầu tiên và 200 em lần mới đây, các nhân viên Hope School và FPT đã tiếp xúc, nói chuyện với hơn 2.400 gia đình và hành trình này vẫn đang được các thành viên trong Hope School tiếp tục. Cuối tháng 8 này, lễ khai giảng năm học mới của Hope School sẽ diễn ra. Đến nay, bên cạnh nguồn lực nội tại của Tập đoàn FPT và các thành viên sáng lập, thời gian qua, Hope School còn nhận được sự chung tay đồng hành, chia sẻ của nhiều tổ chức, doanh nghiệp qua việc cung cấp một số nhu yếu phẩm, dịch vụ chăm sóc y tế, đồ dùng học tập, phương tiện đi lại… |