
Nơi bắt đầu có gió của tác giả Hoàng Thái Sơn đã đoạt giải ba trong cuộc thi sáng tác văn nghệ “Toàn xã hội chăm lo sự nghiệp trồng người”, do Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, NXB Giáo dục tổ chức. Đó là câu chuyện về thầy hiệu trưởng một trường phổ thông với bản lĩnh vững vàng, thẳng thắn cương trực, dám nghĩ dám làm, đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng độc giả…

Câu chuyện kể về một làng quê nghèo heo hút của dải đất miền Trung, nơi có một người thầy với tính cách “khác lạ” theo cách nghĩ của mọi người, đã tạo nên “Nơi bắt đầu có gió”. Đó là những cơn gió ganh ghét, thù hằn… và cả yêu thương chát đắng, khi người vợ của thầy hiệu trưởng Mậu rũ áo ra đi vì không chịu được cảnh nghèo khó.
Hễ cứ đến các kỳ thi vượt cấp, thi tốt nghiệp, nhà thầy hiệu trưởng Mậu lại rộn ràng kẻ ra người vào. Họ đến để xin điểm, chạy chọt cho con cháu được vào học trong ngôi trường tốt. Thế nhưng, tất cả đều nhận được cái lắc đầu dứt khoát của thầy Mậu. Nhiều người bảo thầy là dại vì thời buổi này mà còn giữ nếp sống trong sạch. Ngay cả người vợ của thầy cũng không thoát khỏi suy nghĩ ấy: “Cô nghĩ họ nói không sai chút nào. Trung thành thì thua thiệt, mà nào anh có ngửa tay xin gì cho cam! Nếu anh như thiên hạ thì cái nhà đã xây xong rồi, cái giếng đâu còn nông choèn choẹt như đáy vại ấy nữa…”.
Bắt đầu từ đấy, những cơn gió không bình yên cứ xô nhau ùa vào căn nhà nhỏ của thầy Mậu. Tình nghĩa vợ chồng đã có nhiều vết nứt. Ngay cả tình yêu đẹp thời họ cùng tham gia Thanh niên xung phong, khi anh xông vào khói lửa để cứu chị, cũng không “cứu được sự bình yên và hạnh phúc trong gia đình”. Người thầy ấy đã giấu nỗi đau và sự cô đơn trong lòng để lao vào công việc, vực dậy một ngôi trường điểm đã từng đi vào ký ức bao thế hệ thầy trò.
Và cũng chính lòng cương trực ấy, đối lập lại là sự ganh ghét, đố kỵ giữa đồng nghiệp đã dấy lên nhiều biến động. Những bức thư nặc danh tố cáo, bôi nhọ danh dự của thầy, rồi đoàn thanh tra từ Sở Giáo dục... làm mọi việc trở nên rối ren. Đến nỗi, nhân viên ở trường phải lắc đầu: “Tôi làm việc dưới quyền năm đời Hiệu trưởng rồi nay mới thấy thầy là một… Làm việc công minh như thầy, chẳng hiểu trên người ta còn nghi ngờ gì?”.
Bỏ qua những lời đồn thổi, thầy hiệu trưởng Mậu vẫn hết lòng vì ngôi trường. Giữa những sóng gió, số phận đưa đẩy thầy đến với tình yêu của cô giáo Tuyết. Họ đã phải kìm nén cảm xúc, dẫu chỉ là ánh mắt, để rồi tất cả đã vỡ òa khi nhận ra nhau tại đỉnh điểm của sóng gió.
Không thần thánh hóa nhân vật, tác giả Hoàng Thái Sơn miêu tả thầy hiệu trưởng Mậu với số phận trong một hoàn cảnh và tình yêu nghiệt ngã. Chính tình yêu làm cho nhân vật trở nên gần gũi, đời thường. Đặc biệt, câu chuyện viết về những sự kiện xảy ra vào năm cuối thập niên tám mươi, là thời điểm khó khăn của cả đất nước. Thế nhưng, câu chuyện vẫn mang đậm chất thời sự, nhất là lúc này chúng ta đang trong thời kỳ chấn hưng giáo dục. Và dù ở thời điểm nào chăng nữa, ngành giáo dục vẫn rất cần những người thầy cương trực và đầy trách nhiệm như thế.
Thùy Dung