Cuối tháng 8-2009, TAND quận 1 TPHCM đã tuyên: Trường Bổ túc văn hóa Thành Đoàn phải thu nhận ông Nguyễn Đình Tuấn trở lại làm việc và bồi thường cho ông các khoản, tổng cộng hơn 13 triệu đồng. Trong vụ kiện này, ông Tuấn đã được Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM (14 Cách Mạng Tháng 8, phường Bến Thành quận 1) trợ giúp pháp lý miễn phí.
Chỗ dựa tin cậy
Khi bị Trường Bổ túc văn hóa Thành Đoàn sa thải vô cớ, ông Nguyễn Đình Tuấn đã tìm đến nhiều văn phòng luật sư ở TP để nhờ tư vấn, nhưng khi biết đây là vụ kiện về lao động, hầu hết các nơi không muốn tiếp nhận.
Đầu tháng 4-2009, nghe giới thiệu Trung tâm Tư vấn pháp luật - LĐLĐ TPHCM là nơi hỗ trợ tư vấn pháp luật miễn phí cho người lao động, ông đã tìm đến. Sau khi tìm hiểu sự việc, các luật gia tại trung tâm đã tận tình hướng dẫn ông viết đơn kiện, củng cố chứng cứ vụ kiện và giới thiệu luật sư Phạm Minh Tâm (thuộc Đoàn Luật sư TPHCM) trực tiếp bảo vệ quyền lợi cho ông trước tòa.
Kết quả, TAND quận 1 tuyên ông thắng kiện. Ông Tuấn xúc động nói: “Nếu không có sự tư vấn và hướng dẫn của những luật gia ở trung tâm, không biết những người lao động nghèo như chúng tôi sẽ làm gì để đòi công lý cho mình”.
Mới đây, Trung tâm Tư vấn pháp luật - LĐLĐ TP cũng đã giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hơn 200 công nhân làm việc tại Công ty TNHH giày AnJin (152A Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân). Đầu năm 2009, công ty đột ngột ngừng hoạt động, những ông chủ người Hàn Quốc lặng lẽ ôm tiền bỏ trốn, để công nhân “sống chết mặc bây”.
Đại diện công đoàn của công ty đã tìm đến trung tâm nhờ tư vấn trong việc bảo vệ quyền lợi cho công nhân. Luật gia Võ Văn Đời, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP đã tư vấn, hướng dẫn công nhân gửi đơn yêu cầu TAND TPHCM mở thủ tục phá sản công ty để được giải quyết tiền lương, trợ cấp thôi việc, tiền khám chữa bệnh, tiền trợ cấp thai sản... cho anh em công nhân. Nhờ vậy, công nhân của công ty đã được nhận số tiền thuộc về mình gần 2 tỷ đồng.
Trợ giúp đi đôi với tuyên truyền pháp luật
Chính thức hoạt động từ năm 1991, ban đầu trung tâm chỉ là một văn phòng tư vấn luật nhỏ. Đến nay, sau nhiều năm gắn bó với công nhân, công đoàn ở các ngành sở, quận huyện, tổng công ty… Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ đã thật sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho người lao động không chỉ trong địa bàn TP mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác mỗi khi họ gặp vướng mắc về pháp luật.
Gần 20 năm qua, các luật gia của trung tâm đã tư vấn, trợ giúp hàng ngàn vụ việc, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Luật gia Võ Văn Đời tâm sự: “Thời gian làm việc tại trung tâm, chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều người lao động bị doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết chế độ không thỏa đáng. Đời sống của họ vốn rất bấp bênh, đồng lương ít ỏi, họ đi làm với mong muốn kiếm đủ tiền lo cho bản thân và gia đình. Vậy mà, vì không có kiến thức pháp luật, họ khó bảo vệ được chính mình trước những tình huống liên quan đến pháp luật, khi mà luật pháp ngày càng chuyên sâu và những người sử dụng lao động luôn tìm hiểu cặn kẽ, áp dụng từng điều luật sao cho có lợi nhất cho doanh nghiệp, bất kể người lao động bị thiệt hại như thế nào.
Do vậy, ngoài việc trợ giúp pháp lý cho người lao động, trung tâm còn có nhiệm vụ phổ biến, tuyên truyền những kiến thức về pháp luật đến với người lao động. Niềm vui của người làm công tác tư vấn pháp luật như chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ, giải tỏa bức xúc của người lao động mà càng nhân lên gấp bội khi người lao động được trang bị thêm những kiến thức về luật để có thể tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”.
Tuy nhiên, các thành viên của Trung tâm Tư vấn pháp luật cũng trăn trở về một số vướng mắc đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của trung tâm. Cụ thể, trung tâm chỉ có nhiệm vụ tư vấn luật chứ không thể cử thành viên trực tiếp biện hộ, bảo vệ quyền lợi cho người lao động trước tòa; chưa kể không phải lúc nào trung tâm cũng tìm được luật sư đồng ý biện hộ miễn phí cho người lao động.
Ngoài ra, do kinh phí hoạt động ít, đội ngũ luật gia tư vấn còn khá “mỏng” nên vẫn còn những trường hợp trung tâm không thể đồng hành cùng người lao động trên con đường đến với công lý.
Thanh An