Cuộc biểu tình đã cho thấy mối lo ngại của một bộ phận người dân Áo không ủng hộ đảng cực hữu FPO lên nắm quyền. Trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 10, OVP chiến thắng nhưng không đạt thế đa số tuyệt đối trong quốc hội nên phải hợp tác với FPO.
OVP và FPO đều có những tương đồng về quan điểm trên các lĩnh vực, nhất là về nhập cư, an ninh và Hồi giáo. Với sự liên minh này, nước Áo đã có một chính phủ mới trẻ trung hơn nhưng cứng rắn hơn trong việc kiểm soát người nhập cư và người Hồi giáo tị nạn.
Sự ra mắt của tân Chính phủ Áo không những đánh dấu sự xoay chuyển trên chính trường nước này mà còn cho thấy rõ các đảng cực hữu - dân túy vẫn đang củng cố sức mạnh của mình tại Liên minh châu Âu (EU). So sánh với các quốc gia châu Âu cùng diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng trong năm nay như Pháp, Đức và Hà Lan, phe cực hữu tại Áo đã có một chiến thắng rõ nét nhất.
Nếu Thủ tướng Sesbastian Kurz, lãnh đạo đảng OVP, khéo léo và uyển chuyển hơn để tránh bị xem là theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan thì sự có mặt của FPO đặc biệt gây lo ngại, nhất là khi đảng này được giao nắm những bộ quan trọng về an ninh và đối ngoại gồm ngoại giao, nội vụ và quốc phòng…
Hệ lụy của việc FPO cực hữu có mặt trong bộ máy lãnh đạo nước Áo sẽ có thể dẫn tới sự chia rẽ trong EU cũng như sự phản đối của các nước trong khối này. Bởi, với việc liên minh này, Áo là quốc gia duy nhất có sự tham gia của một đảng cực hữu trong chính phủ. Những quan điểm, chính sách cứng rắn của chính phủ liên minh mới tại Áo sẽ có thể càng gây thêm khó khăn đối với EU trong việc giải quyết các vấn đề của khối, trong đó có nhập cư.
Sự ra đời của một liên minh chính phủ có phe cực hữu tại Áo cũng như sự tham gia của các đảng cực hữu trong hàng loạt các cuộc bầu cử châu Âu trong năm nay đã phơi bày một thực tế đáng ngại là tư tưởng dân túy, chống nhập cư, kỳ thị chủng tộc đã dâng lên như một “cơn thủy triều”, phần nào gạt ra một bên hoặc làm suy yếu đáng kể các đảng truyền thống khắp châu Âu.
Tại Pháp, đảng cực hữu Mặt trận dân tộc của bà Marine Le Pen đã giành được 33,4% số phiếu trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống và lần đầu tiên có tới 8 nghị sỹ tại hạ viện.
Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) có xu hướng chống Hồi giáo, chống người nhập cư cũng tạo được đột phá khi lần đầu tiên có tới 94 nghị sĩ trong Quốc hội liên bang Đức, trở thành chính đảng lớn thứ ba trong cơ quan lập pháp Đức.
Ở Hà Lan, đảng Tự do cực hữu tại Hà Lan trở thành đảng có vị trí thứ 2 tại quốc hội khi giành được 20 ghế.
Trước thực tế trên, ở các nước EU hiện nay, cải tổ được coi là “chìa khóa” chống lại sự nổi lên của chủ nghĩa cực hữu - dân túy. Theo giới quan sát, chính phủ của các nước phải nỗ lực giải quyết các thách thức nội tại như bất bình đẳng xã hội và nạn thất nghiệp gia tăng thông qua thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo hệ thống an sinh xã hội…
Có như vậy thì châu Âu mới có thể đẩy lùi chủ nghĩa dân túy và các tư tưởng cực đoan, để đưa “con tàu hội nhập” tiếp tục tiến lên phía trước.