
Cũng như giải Nobel Y học năm 2007 và năm 2008, giải Nobel Y học năm 2009 lại một lần nữa vinh danh những nhà khoa học nghiên cứu gien giúp điều trị bệnh, kéo dài tuổi thọ của con người. Giải thưởng bao gồm 1,4 triệu USD, giấy chứng nhận đoạt giải và giấy mời tham dự lễ trao giải ở Stockholm, Thụy Điển vào ngày 10-12.
Từ chữa bệnh...
Năm nay, 3 nhà khoa học người Mỹ gồm giáo sư Elizabeth Blackburn (sinh năm 1948), Carol Greider (sinh năm 1961) và Jack Szostak (sinh năm 1952) đã trở thành các đồng chủ nhân giải Nobel Y học năm 2009. Đây cũng là lần đầu tiên, giải Nobel Y học cùng lúc được trao cho 2 phụ nữ. Bà Blackburn mang hai quốc tịch Mỹ và Australia, là giáo sư sinh vật học và sinh lý học tại Trường Đại học California, bang San Francisco, Mỹ. Bà Greider là giáo sư sinh vật học phân tử và gien, làm việc tại Khoa Y thuộc Đại học Johns Hopkins ở bang Baltimore, Mỹ. Ông Szostak sinh ở Anh, làm việc tại Khoa Y, Đại học Harvard, Mỹ từ năm 1979. Ông hiện là giáo sư về về gien tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở bang Boston, Mỹ. Ngoài ra, ông còn là hội viên Viện Y học Howard Hughes.

Giáo sư Elizabeth Blackburn từng bị Tổng thống George W. Bush sa thải khỏi Hội đồng luân lý về nghiên cứu y học vào năm 2004 vì bà lên tiếng chỉ trích chính sách của ông Bush đối với việc nghiên cứu tế bào mầm ở người. Bà Greider nghiên cứu về telomerase từ những năm 1970 với cố vấn nghiên cứu của bà là giáo sư Blackburn tại Đại học California, Berkeley.
Viện Karolinska ở Thụy Điển cho biết các nhà khoa học nói trên được tôn vinh vì đã tìm ra cách thức các nhiễm sắc thể được sao chép một cách hoàn chỉnh trong quá trình phân chia của tế bào và được bảo vệ để không bị thoái hóa. Những phát hiện này có thể hỗ trợ việc nghiên cứu ung thư, giúp con người hiểu rõ hơn về tế bào, vén lên bức màn bí ẩn về các cơ chế phát triển bệnh, đồng thời mở đường cho việc phát triển các liệu pháp chữa bệnh hiệu quả mới, thậm chí cả việc làm cho con người lâu già hơn.
Các công trình nghiên cứu enzyme đang trở thành lĩnh vực nghiên cứu nóng bỏng, đặc biệt là để tìm cách chữa trị bệnh ung thư hiệu quả hơn. Từ đây, người ta có thể biết rõ cơ chế mà các tế bào bướu sinh sôi nảy nở bất thường. Ví dụ, một vaccine điều trị nhắm vào telomerase (một enzyme tạo ra khu vực cuối của ADN, khu vực này gọi là telomere). Vaccine này đã được các Công ty dược Merck và Geron thử nghiệm từ năm 2008 cho kết quả khá khả quan đối với việc chữa trị các khối u ở ung thư phổi và ung thư tiền liệt tuyến.
...đến trường thọ
Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả trong việc chữa các loại bệnh nan y, công trình của 3 giáo sư Mỹ được trao giải Nobel năm nay còn nhấn mạnh đến yếu tố nghiên cứu khả năng trường thọ của con người.
Nghiên cứu của họ tập trung làm sáng tỏ tiến trình lão hóa bằng cách phát hiện các chuỗi gien lập đi lập lại ở phần cuối của ADN (gọi là telomere). Các telomere này đóng vai trò như những chiếc nón bảo vệ, giúp các chuỗi gien bớt ngắn đi khi tế bào phân chia. Chất tạo nên các telomere chính là telomarase enzyme. Bằng cách nào đó, nếu con người can thiệp để các telomarase này phát huy vai trò mạnh nhất sẽ làm cho telomere duy trì được độ dài cần thiết. Lúc đó, quá trình lão hóa sẽ diễn ra chậm hơn.
Công trình của 3 nhà khoa học chứng minh được tính vô giá của các cuộc nghiên cứu chống già. Theo tiến sĩ Dave Woynarowski, chuyên gia chống lão hóa hàng đầu thế giới, người được mệnh danh là “Tiến sĩ Telomere”, từ lâu vai trò của telomere đã được ông nghiên cứu. Ông là thành viên của Công ty TA Sciences chuyên nghiên cứu về telomere. Theo ông, rất nhiều loại bệnh của con người liên quan đến nguyên nhân telomere bị ngắn đi như bệnh ung thư, bệnh tim, bệnh mất trí nhớ (Alzheimer), bệnh loãng xương, tiểu đường... Công ty của “Tiến sĩ Telomere” này đã chế tạo hợp chất TA-65 nhằm kích thích telomere trẻ hóa và dài thêm, nó kích hoạt các telomarase hoạt động hữu hiệu hơn. Qua theo dõi những người sử dụng hợp chất này trong vòng 2 năm qua, người ta thấy hệ miễn dịch được cải thiện, xương vững chắc hơn, insulin ở mức độ tốt.
Tuy nhiên, telomere chỉ là một trong nhiều yếu tố chống lão hóa, chống bệnh tật. Quá trình lão hóa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Từ lâu, các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu các yếu tố kéo dài tuổi thọ của con người. Trong các chất chống lão hóa, người ta chú ý tới hợp chất resveratrol có trong rượu đỏ (rượu vang hay nho). Hợp chất này giúp kích hoạt các protein mang tên sirtuin làm tăng kháng thể của cơ thể chống lại các loại bệnh của tuổi già. Tờ New York Times gần đây đăng tin cho biết hãng dược phẩm Sirtris đã bắt đầu chế tạo một loại thuốc giúp kích hoạt các sirtuin trong cơ thể người. Thuốc này đã qua thử nghiệm trên chuột, cho kết quả là kéo dài tuổi thọ hơn 40% so với thực đơn ăn kiêng.
Một cuộc nghiên cứu khác công bố trên tạp chí Science cho thấy cách mà chuột sống sót cao và khỏe mạnh... nhờ nhịn đói. Các nhà khoa học đã làm mất khả năng một loại gien có vai trò ra tín hiệu đói đối với cơ thể. Loại gien này chỉ dấu cho cơ thể tiếp nhận thực phẩm. Vì vậy các loại thuốc trong tương lai có thể gây ức chế loại gien này, làm cho cơ thể người ít cảm thấy đói. Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu bệnh tiểu đường và các bệnh nội tiết thuộc Đại học London công bố ngày 2-10, trong cơ thể chuột, có một loại gien liên quan đến sức ăn của chuột. Nếu không có gien này, chuột sẽ ăn ít hơn, khỏe hơn có thể không mắc bệnh tiểu đường típ 2. Loại gien này mang tên S6K1.
Với công trình nghiên cứu (được triển khai từ những năm 1970) của mình, 3 nhà khoa học Mỹ đã vượt qua những ứng cử viên sáng giá khác như Ernest McCulloch và James Till, những người có công tìm ra tế bào gốc vào những năm 70 của thế kỷ trước.
VŨ MINH (theo New York Times, Lancet, AP)