Theo Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm, giải thưởng Nobel Hóa học năm 2018 thuộc về 3 nhà khoa học, trong đó 2 nhà khoa học Mỹ là Frances H.Arnold (Viện Công nghệ California - Mỹ), George P.Smith (Đại học Missouri - Mỹ) và nhà khoa học người Anh Gregory P.Winter (Phòng thí nghiệm sinh học phân tử MRC ở Cambridge - Anh), với công trình nghiên cứu enzyme theo phương pháp tiến hóa có định hướng và thể thực khuẩn của sự kết hợp 2 hay nhiều axít amin tạo thành chuỗi và kháng thể.
Bà Frances H.Arnold là nhà khoa học nữ duy nhất có mặt trong giải thưởng Nobel lần này. Bà là người đầu tiên thực hiện tiến hóa có định hướng cho enzyme vào năm 1993, protein xúc tác cho phản ứng hóa học. Enzyme tạo ra qua tiến hóa có định hướng được sử dụng để sản xuất mọi thứ từ nhiên liệu sinh học đến dược phẩm.
Trong khi đó, nhà khoa học George P. Smith phát triển phương pháp mang tên Kỹ thuật hiển thị trên thể thực khuẩn vào năm 1985, trong đó vật ăn vi khuẩn có thể được dùng để tiến hóa protein mới.
Nhà khoa học Gregory P. Winter ứng dụng phương pháp này để tiến hóa có định hướng các kháng thể, nhằm sản xuất những loại thuốc mới. Những phương pháp do các chủ nhân mới của Nobel Hóa học phát triển đang được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu nhằm hướng đến ngành công nghiệp hóa chất xanh hơn, chế tạo các vật liệu mới, sản xuất năng lượng sinh học bền vững, điều trị bệnh tật và cứu sống nhiều mạng người.
Đây là giải thưởng thứ ba của mùa giải Nobel năm nay, sau giải Nobel Y học và Nobel Vật lý. Bà Frances H.Arnold sẽ nhận một nửa khoản tiền thưởng trị giá 9 triệu krona Thụy Điển, phần còn lại sẽ được chia đều cho ông Gregory P.Winter và George P.Smith.
Năm ngoái, giải Nobel Hóa học 2017 đã được trao cho 3 nhà khoa học Jacques Dubochet người Thụy Sĩ, Joachim Frank người Mỹ và Richard Henderson người Anh nhờ phát triển kính hiển vi điện tử nghiệm lạnh để xác định cấu trúc phân tử có độ phân giải cao trong dung dịch.
Theo website của Quỹ Nobel, giải Nobel Hóa học đã được trao 109 lần cho 177 cá nhân từ năm 1901 đến năm 2017. Trong đó, nhà khoa học Anh Frederick Sanger là người duy nhất nhận giải thưởng này 2 lần, vào các năm 1958 và 1980.
Tiếp sau giải Nobel Hóa học, giải Nobel Hòa bình và giải Nobel Kinh tế sẽ được công bố lần lượt vào ngày 5-10 và 8-10 tới.