Bào mòn lợi nhuận
Báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến cuối tháng 2-2023, nợ xấu toàn hệ thống đã xấp xỉ 3%, cao gấp đôi so với cuối năm 2021. Nợ xấu gộp toàn hệ thống đến thời điểm hiện nay đã lên mức 5%. Trong đó, thống kê của 27 ngân hàng thương mại (NHTM) niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, tính đến ngày 31-3, tổng nợ xấu nội bảng ở mức hơn 170,5 ngàn tỷ đồng, tăng 24,3% so với đầu năm. Trong đó, không ít NHTM có tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 3% (cao hơn so với quy định). Cụ thể như BaovietBank 4,69%, VIB 3,64%... Các chuyên gia nhận định, rủi ro nợ xấu ngân hàng sẽ còn tăng lên khi thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn chưa thể phục hồi, vì đây là 2 lĩnh vực chiếm tỷ lệ nợ xấu cao.
Trên thực tế, dù nhiều NHTM báo mức lợi nhuận khá trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng báo cáo tài chính quý 1-2023 của 27 NHTM niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, lợi nhuận quý 1-2023 đã giảm 4,4% so với cùng kỳ, vì đa phần phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Điều này cho thấy, nợ xấu cao đã bào mòn lợi nhuận ngân hàng. Cụ thể, do nợ xấu tăng nên VPBank phải tăng trích lập dự phòng rủi ro 55% khiến lợi nhuận giảm tới 77% trong quý 1-2023. Tương tự, Techcombank có lợi nhuận quý 1-2023 giảm 17% do tăng trích lập dự phòng lên gấp đôi so với cùng kỳ, ở mức 534 tỷ đồng. Trong khi đó, VietinBank tăng trưởng lợi nhuận quý 1-2023 ở mức 3% vì phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tới 52%. Riêng BIDV trích lập dự phòng rủi ro giảm 25,2% nên lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng tới 58%. Cá biệt, một số ngân hàng cũng giảm dự phòng để “làm đẹp” lợi nhuận mặc dù nợ xấu tăng vọt. Chẳng hạn như tổng nợ xấu tại Eximbank tính đến quý 1-2023 tăng 30% so với đầu năm nhưng do dự phòng rủi ro giảm 42% (khoảng 66 tỷ đồng) so với cùng kỳ nên Eximbank có lợi nhuận trước thuế tăng 8% so cùng kỳ.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho biết, năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận trung bình của 29 NHTM ở mức 34%. Năm 2023, dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng chỉ còn 13%-15%. “Mặc dù Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành đã rất chủ động, quyết liệt ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng dự báo nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng có thể còn tăng trong năm 2023”, TS Cấn Văn Lực nhận định.
E dè cơ cấu nợ
Trước áp lực nợ xấu hệ thống tăng cao và nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn, cuối tháng 4-2023, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023 (Thông tư 02) quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Theo đó, NHTM được tiếp tục giãn, hoãn thời hạn trả nợ và không phải chuyển nhóm nợ trong tối đa 12 tháng đối với các khoản nợ và khoản trả lãi đến hạn của người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn. Trong bối cảnh đầu ra bị thu hẹp, doanh thu và đơn hàng sụt giảm, thông tư này đã được các doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, nhiều NHTM cho biết, chỉ cân nhắc cơ cấu lại nợ với doanh nghiệp có khả năng phục hồi vì khi cơ cấu nợ, bản thân ngân hàng phải tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Nếu nới lỏng điều kiện tín dụng thì khó khăn của doanh nghiệp sẽ chuyển về phía ngân hàng. Chưa kể, như đại diện OCB cho biết, cơ chế cơ cấu nợ lần này khác đợt cơ cấu nợ cho khách hàng khó khăn do dịch Covid-19, vì Thông tư 02 yêu cầu NHTM phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ cơ cấu, trong khi nguồn lực tài chính của mỗi ngân hàng khác nhau. Do đó, ngân hàng sẽ thận trọng và sàng lọc kỹ khách hàng để cơ cấu, song song đó áp dụng các biện pháp thu hồi nợ nhằm hạn chế nợ xấu.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh lo ngại, việc cho phép giãn nợ từ Thông tư 02 của NHNN sẽ dẫn đến khả năng các khoản nợ trở thành nợ xấu vì sau khi thông tư hết hiệu lực, nguy cơ nợ xấu tăng rất lớn. Mặc dù vậy, việc NHNN yêu cầu trích quỹ dự phòng và một số yêu cầu khác cũng đòi hỏi ngân hàng phải chuẩn bị phương án đáp ứng.
Xử lý nghiêm việc chậm cơ cấu nợ cho khách hàng
Thống đốc NHNN vừa ban hành Chỉ thị 02 chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023. Theo đó, các NHTM khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện ngay quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định. Nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Thông tư số 02/2023.
mTheo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), lũy kế từ ngày 15-8-2017 (Nghị quyết 42/2017 về xử lý nợ xấu có hiệu lực) đến cuối tháng 1-2023, toàn hệ thống đã xử lý được 416 ngàn tỷ đồng nợ xấu, xác định theo Nghị quyết 42/2017. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 211,9 ngàn tỷ đồng, chiếm 50,9% tổng nợ xấu. Ngoài ra, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 122,1 ngàn tỷ đồng, chiếm 29,3% tổng nợ xấu.
Nhà đầu tư địa ốc “mắc cạn”
Khảo sát được thực hiện những tháng đầu năm 2023 với 1.000 người của trang thông tin mua bán Batdongsan.com cho thấy, không chỉ người chưa có nhà đất muốn sở hữu bất động sản (BĐS), mà những người đã sở hữu 3 BĐS trở lên vẫn có nhu cầu mua thêm. Số này chiếm tới 87% người được hỏi. Tương tự, với người đã sở hữu 1-2 BĐS, nhu cầu tiếp tục mua tài sản chiếm lần lượt 66%-79%. Đáng nói, phần lớn những nhà đầu tư BĐS cá nhân đều dựa vào nguồn tín dụng. Do đó, khi lãi suất cho vay ở mức 13%-15%/năm, nhiều nhà đầu tư gần như “đứng hình”.
Đơn cử, ông Nguyễn Dũng, ngụ quận 3 (TPHCM) đang sở hữu nhiều tài sản là đất thổ cư và đất nông nghiệp tại Bình Dương, Long An, Lâm Đồng, song ông luôn “khát” tiền mặt để trả nợ. Tổng nợ gốc và lãi ngân hàng mỗi tháng ông phải trả đến gần 200 triệu đồng, trong đó có một khoản vay 6 tỷ đồng nhiều lần bị ngân hàng cảnh báo có thể chuyển sang nợ xấu. 5 tháng qua, ông Dũng phải cầm cố nhà, ô tô, mượn người thân, thậm chí vay nóng để trả lãi vì 5 sổ đỏ đất vùng ven TPHCM đang hạ giá vẫn… không ai mua. Hay một nhà đầu tư địa ốc ngụ TP Thủ Đức mua chiếc xe sang từ châu Âu năm 2018, gần đây phải rao bán với giá rẻ để trả nợ cho khoản vay mua mảnh đất nông nghiệp hơn 6.000m2 tại tỉnh Đồng Nai. Mảnh đất này ông đã “đại hạ giá” nhiều lần nhưng không có người mua.
Đây là hệ quả tất yếu của tình trạng đầu tư “ăn xổi”, “lướt sóng”, dùng đòn bẩy tài chính quá đà lúc thị trường BĐS nóng sốt và không kịp trở tay khi thị trường chuyển xấu kéo dài. Nhận định về thực trạng này, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, cho rằng, mặc dù chính sách tín dụng đang dần được nới lỏng nhưng việc tiếp cận nguồn vốn của nhà đầu tư rất khó khăn. Chưa kể, thời gian tới thị trường sẽ diễn biến thế nào vẫn là ẩn số. Thị trường BĐS có ấm lên hay không, phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế thế giới cũng như kinh tế trong nước. Chính vì vậy, tình trạng nhà đầu tư “mắc cạn” trên đống tài sản vẫn chưa có hướng tháo gỡ khả thi.