Từ các bộ trang phục chạy bộ cho đến váy áo mùa hè, Lea Baecker ở London (Anh) giờ đây tự may hầu hết quần áo trong tủ đồ của mình. Cô gái 29 tuổi này cho biết, động lực khiến cô tự may quần áo cho bản thân là do không muốn ủng hộ ngành thời trang nhanh với những sản phẩm giá rẻ, sử dụng ngắn ngày. Nghiên cứu sinh chuyên ngành khoa học thần kinh bắt đầu thói quen mới từ năm 2018, khi cô may từ chiếc túi xách đến những sản phẩm khó hơn như quần áo. Sau 4 năm, tủ đồ của cô hiện có 80% quần áo là tự đan móc hoặc may, và hầu như cô không mua quần áo may sẵn.
Không chỉ riêng Lea, giới trẻ tại Anh đang cuốn theo trào lưu tự may quần áo. Trào lưu trên xuất phát từ nhận thức của những người trẻ tuổi, khi họ biết rằng ngành thời trang và dệt may được xem là lĩnh vực gây ô nhiễm thứ 3 trên toàn cầu, sau lĩnh vực thực phẩm và xây dựng. Theo báo cáo năm 2021 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), ngành này tạo ra khoảng 5% khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Tara Viggo là một nhà thiết kế mẫu hoạt động độc lập, đã tách ra làm riêng sau 15 năm làm việc trong lĩnh vực thiết kế mẫu quần áo cho các nhà sản xuất lẻ.
“Tôi nhận ra quy mô mà ngành công nghiệp thời trang đang phát triển và tôi thực sự có đôi chút kinh hoàng”, Tara chia sẻ. Cô bắt đầu bằng hoạt động kinh doanh nhỏ và thường chỉ bán một bộ mẫu mỗi năm, ít hơn nhiều so với con số 4 bộ mẫu mỗi ngày mà cô từng làm trong thời gian làm việc trong ngành thời trang nhanh. Dù thừa nhận những người làm việc độc lập như cô khó có thể cạnh tranh với các thương hiệu lớn, nhưng Tara tin rằng đóng góp của mình sẽ có ý nghĩa.
Mẫu jumpsuit do Tara thiết kế hiện là sản phẩm bán chạy nhất trên nền tảng The Fold Line, chuyên bán trực tuyến các mẫu thiết kế giúp tự may quần áo. Từ khi ra đời năm 2015 với sự tham gia của 20 nhà thiết kế độc lập, tới nay, nền tảng này có hơn 150 nhà thiết kế. Rosie Scott và Hannah Silvani, đồng sở hữu một cửa hàng bán vải ở London, cho biết, ngày càng nhiều người thích tự đan móc, may quần áo cho bản thân, nhất là những người trẻ tuổi. Theo Scott, số lượng đơn đặt hàng đặc biệt tăng trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành và hiện vẫn đang duy trì ở mức cao dù các biện pháp hạn chế đã được dỡ bỏ.
Xu hướng này nở rộ một phần nhờ mạng chia sẻ hình ảnh Instagram, vì đây chính là nơi “cộng đồng may vá” tiếp động lực cho nhau thông qua những bài chia sẻ hình ảnh về sản phẩm của mình. Lea cho hay, nền tảng này đóng vai trò kết nối quan trọng, hình ảnh các mẫu thiết kế được chia sẻ và giúp những người tham gia phong trào tương tác với nhau tốt hơn. Theo Lea, mỗi mẫu thiết kế có dòng đính kèm (hashtag) riêng để mọi người có thể tra cứu hình ảnh các mẫu do người khác làm và mặc, từ đó có thể hình dung mẫu đó hợp với mình hay không. Mẫu jumpsuit của Tara với hashtag #Zadiejumpsuit hiện có 11.000 bài đăng liên quan và hashtag#handmadewardrobe (tủ đồ tự làm) có 900.000 bài đăng liên quan.