Nở rộ lò luyện thi đánh giá năng lực online

Nắm bắt nhu cầu của thí sinh trước các kỳ thi đánh giá năng lực (ĐHNL), trên các trang mạng, mạng xã hội Facebook xuất hiện rất nhiều tài khoản giới thiệu khóa luyện thi cấp tốc hoặc bán sách có bộ đề của kỳ thi này, mà theo các chuyên gia cảnh báo, đây đều là những thông tin không xác thực.

Đủ kiểu lôi kéo

Trên mạng xã hội hiện có nhiều tài khoản giới thiệu, chào mời các khóa luyện thi ĐGNL, đánh giá tư duy thu hút rất đông thành viên tham gia, như: Luyện thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội với 107.900 thành viên; Luyện thi đánh giá năng lực với 115.200 thành viên; TAQ Education (Dẫn đầu luyện thi đánh giá năng lực); Trung tâm Giáo dục phát triển năng lực và Tư duy Việt Nam (3.700 thành viên); Ôn thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TPHCM (thầy Bùi Văn Công) 63.000 thành viên…

Trên Nhóm luyện thi ĐH Quốc gia giới thiệu: “Thí sinh 2005 đăng ký thi thử ĐGNL đăng ký tại ĐGNL ĐHQG Hà Nội (http://bit.ly/3WC9ToG); ĐGNL ĐH Quốc gia TPHCM (http://.bit.ly/3jNu98s) để có cơ hội thử sức với bộ đề chất lượng, được cập nhật theo cấu trúc ra đề mới nhất từ đội ngũ thầy cô từng ở trong ban ra đề thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM”.

Để thu hút thí sinh, quản trị viên còn đưa ra các mức giải thưởng lên đến 10 triệu đồng cho thí sinh đăng ký tham gia. Cùng với đó là các hình thức quảng cáo cho 7 cuốn sách “sổ tay bí kíp hack điểm ĐGNL” gồm các môn Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Cũng trên nhóm này, quản trị viên tự giới thiệu là các thầy cô có 15 năm kinh nghiệm, nằm trong ban ra đề thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Quốc gia Hà Nội…

Thí sinh tham gia kỳ thi ĐGNL do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức tháng 3-2022

Thí sinh tham gia kỳ thi ĐGNL do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức tháng 3-2022

Trên các nhóm luyện thi khác cũng giới thiệu dày đặc lịch học, thời khóa biểu các môn học (từ 19-23 giờ) với các mức học phí từ vài trăm ngàn đồng đến 2 triệu đồng/khóa (2 tháng). Thành viên của các nhóm luyện thi tranh nhau giới thiệu và bán các cuốn sách luyện đề thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội với lời cam đoan “đảm bảo 80% đạt điểm cao”.

Ngoài ra, còn có tài khoản tự xưng là chuyên gia, thầy cô, cho biết đã biên soạn nhiều bộ đề và học sinh cần thì liên hệ; nếu giới thiệu cho các thí sinh khác tham gia… sẽ được tặng trọn bộ đề thi và đáp án.

Không nên luyện thi

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM, kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM (từ năm 2018 đến nay) không tổ chức luyện thi dưới bất kỳ hình thức nào. Tất cả tổ chức, cá nhân, tổ chức luyện thi ĐGNL đều không thuộc và không có bất kỳ mối liên hệ nào với ĐH Quốc gia TPHCM. Cách xây dựng bài thi ĐGNL hướng đến việc đánh giá các năng lực cơ bản để học tập tốt của thí sinh, bao gồm sử dụng ngôn ngữ, suy luận, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề.

Những năng lực này được hình thành và phát triển trong suốt quá trình học tập của học sinh. Học sinh có thể tự rèn luyện phát triển năng lực với sự hỗ trợ của thầy cô giáo trong các trường phổ thông. Ngoài ra, thầy cô, chuyên gia được mời làm đề thi đều thực hiện cam kết không tổ chức luyện thi, nên nhiều cá nhân giới thiệu là thành viên trong ban ra đề thi ĐGNL là hoàn toàn bịa đặt.

“Những thí sinh đạt điểm cao trong những kỳ thi trước đây đã chia sẻ đều không phải là những thí sinh tham gia luyện thi. Chính vì vậy, chúng tôi không khuyến khích thí sinh tham gia luyện thi tại các trung tâm. Thí sinh tự ôn luyện cho kỳ thi, nên tham khảo bài thi minh họa do ĐH Quốc gia TPHCM công bố để biết cấu trúc và định hướng nội dung của bài thi”, TS Nguyễn Quốc Chính nhấn mạnh.

Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết, việc các cá nhân tự xưng là giáo viên từng ra đề thi, hay nằm trong ban ra đề thi ĐGNL là không ai kiểm chứng. Riêng kỳ thi từ năm 2020 đến năm nay thì chắc chắn là không thể vì các chuyên gia mời biên soạn câu hỏi phải ký cam kết không tham gia luyện thi dưới bất kỳ hình thức nào. Còn việc bán sách bộ đề có câu hỏi thi ĐGNL là do họ tự biên soạn, chứ không thể lấy từ ngân hàng câu hỏi.

Nhiều chuyên gia khuyến cáo thí sinh hãy cẩn trọng trước những lời quảng cáo “bao đậu”, “80-90% đạt điểm cao”, “cuốn sách bí kíp”, nên tập trung ôn lại kiến thức ở trường phổ thông, yên tâm tham gia kỳ thi ĐGNL. Việc các em tham gia những khóa luyện cấp tốc như thế chỉ mất thêm thời gian lẫn tiền bạc.

Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), năm 2023 các cơ sở giáo dục đại học ngày càng thể hiện sự chủ động trong công tác tuyển sinh thông qua việc có nhiều trường tổ chức thi ĐGNL. Việc thí sinh đăng ký tham dự các kỳ thi này sẽ tăng cơ hội xét tuyển theo phương thức khác nhau.

Tuy nhiên, do mục đích, yêu cầu của các kỳ thi khác nhau nên cấu trúc, định dạng đề thi và cách thức tổ chức, thời gian, địa điểm cũng khác. Thí sinh cần xem xét đề án tuyển sinh của các trường để cân nhắc lựa chọn các kỳ thi phù hợp với khả năng của bản thân. Tránh việc đăng ký tham gia quá nhiều kỳ thi, dẫn đến lãng phí thời gian, công sức, áp lực và gánh nặng về thi cử, mà khó có thể đạt được kết quả như mong muốn.

Tin cùng chuyên mục