Món ngon nào cũng có
“Đều đặn mỗi buổi chiều, nhóm chị Na cũng đặt mua trái cây qua mạng. Ít thì vài ký, nhiều lên tới hàng chục ký, nào là xoài Thái Lan, bưởi da xanh, nhãn xuồng… Mỗi hóa đơn thanh toán của chị ấy dao động từ 500.000 - 700.000 đồng. Chị này sành ăn nên mua trái cây rất tươi ngon”, chị Ngọc Bích, nhân viên văn phòng có trụ sở trên đường Kỳ Đồng (quận 3, TPHCM), tâm sự. Câu chuyện mua hàng trực tuyến hiện khá phổ biến trong giới văn phòng. Một điểm ăn ngon, bán hàng đẹp, thực phẩm tươi sạch nào mới ra đời đều được mọi người truyền tai nhau. Do tiếng lành đồn xa nên điểm nào bán hàng đểu dễ bị tẩy chay tập thể.
Lướt nhanh trên mạng, khách hàng có thể quan tâm đến các trang: Thực phẩm sạch, Trái cây sạch, Rau sạch nhà trồng… Đây là những trang bán đa dạng sản phẩm, màu sắc thu hút, cạnh tranh với chợ, siêu thị… và giá bán cạnh tranh. Ví dụ, trứng gà ta sạch bán online có giá khoảng 30.000 - 35.000 đồng/10 trứng, bưởi ruột hồng 45.000 - 50.000 đồng/kg… Vì chủ hàng không phải trả tiền thuê mặt bằng, thuê nhân viên hoặc cũng có thể tận dụng các điểm bán chật hẹp làm nơi giao dịch, do vậy, lợi nhuận gia tăng từ 15% - 20%. Điểm khác biệt, tiện lợi của loại hình kinh doanh này chính là cả khách mua và người kinh doanh đều dễ dàng tương tác với nhau. Sản phẩm ngon hay dở sẽ được phản hồi nhanh chóng. Chủ hàng cũng dễ nắm bắt tâm lý người mua để cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ…
Chị Mai Thu Hoàng, ngụ quận Tân Bình, chuyên cung cấp rau sạch, trái cây Đà Lạt cho biết, nhà vườn của chị ở Lâm Đồng cung ứng hàng đạt chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Ngoài ra, khách cũng có thể đặt mua sản phẩm hữu cơ (organic) do người thân của chị gửi từ Canada, Mỹ hoặc Anh về Việt Nam. Tất nhiên, cùng mặt hàng nhưng sản phẩm sạch sẽ có giá cao hơn so với hàng bình thường bày bán tại chợ. Chẳng hạn, 1kg dưa chuột bán tại chợ đầu mối khoảng 30.000 đồng/kg, thì dưa chuột sạch bán trên mạng dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, tùy điểm bán.
Mua - bán từ bạn hàng quen
Vài năm nay, hàng xóm gần nhà đã quen với cô giáo ngày ngày đến lớp kiêm tiểu thương kinh doanh online, cuối tuần gom mua trái cây, rau củ tại nhà vườn. Chị là Lê Thị Thu Mai, giáo viên dạy môn lịch sử ở huyện Đắk G’Long (tỉnh Đắk Nông). Mùa nào thức nấy: măng khô, nấm rơm, bơ sáp, khoai lang mật, sầu riêng chín rụng tại gốc cây đều được chào bán trên Facebook của chị. Hầu hết mặt hàng đều có giá bán “cây nhà lá vườn”. Chẳng hạn, bơ sáp đặc biệt dẻo thơm có giá khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg, sầu riêng chín rụng dao động từ 65.000 - 85.000 đồng/kg, măng khô khoảng 300.000 đồng/kg… Tất cả đều là hàng sạch, an toàn do chính nhà chị Mai và người thân ở khu vực Tây Nguyên trồng trọt, chế biến. “Tôi mua để người nhà ăn là chính, sau đó thấy ngon nên rao thử, không ngờ khách hàng ở TPHCM và một số tỉnh đặt khá nhiều. Lời lãi không bao nhiêu, nhưng có thêm thu nhập”, cô giáo Thu Mai chia sẻ.
Không chỉ nở rộ phong trào kinh doanh trực tuyến cá nhân mà còn có kiểu kinh doanh theo khu nhà chung cư. Chẳng hạn, bán thực phẩm sạch tại các khu chung cư Vinhome, Hưng Ngân, Thái An… Số lượng hàng hóa vừa phải, khách đặt tới đâu người bán gom hàng đến đó. Theo chị An Lê (chung cư Hưng Ngân, quận 12), mỗi tháng chị cũng bỏ túi 4-5 triệu đồng từ buôn bán thực phẩm sạch. Do phục vụ cư dân chung cư nên khách mua hàng còn nhận được nhiều ưu đãi, chẳng hạn như giao hàng tận nơi, bao đổi trả sản phẩm tại nhà khách hàng, mua rau tặng kèm hành lá, mua gạo tặng thêm rau sạch hoặc trái cây…
Theo các cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, việc kinh doanh online nở rộ là xu hướng tất yếu của xã hội, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Tuy vậy, các hộ kinh doanh hàng đặc sản nhà quê chủ yếu mang tính tự phát, có gì bán nấy nên chất lượng sản phẩm mang tính may rủi, không đồng đều. Đại diện các cơ quan chuyên trách về an toàn về sinh thực phẩm thừa nhận, đây chính là kẽ hở cho hàng trôi nổi, kém chất lượng trà trộn tới tận tay người tiêu dùng. Lời cảnh báo ở đây chính là hãy mua hàng của những người thân quen; mua sản phẩm nơi uy tín, có xuất xứ…