Làm du lịch bất chấp
Tại mỏ đá bỏ hoang ở tiểu khu 110, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), sức hút từ cái tên “Tuyệt tình Cốc” (do cộng đồng mạng xã hội đặt) đã khiến nhiều du khách mạo hiểm tìm tới. Địa hình lởm chởm núi đá, độ sâu của hồ nước và đường xa (cách trung tâm Đà Lạt khoảng 30km, trong đó có 6km đường rừng) vẫn không ngăn được du khách tìm đến “check-in” hồ nước có màu xanh ngọc bích. Một số hộ dân nắm bắt nhu cầu đi lại khó khăn vì mỏ đá nằm sâu trong rừng đã sử dụng ô tô đưa đón khách và tổ chức bán hàng ăn, uống ngay bên cạnh khu vực hồ nước. Điểm tham quan tự phát không có sự kiểm soát đã tạo nên cảnh lộn xộn.
Với nhiều bạn trẻ, đi Đà Lạt mà chưa lên bậc thang “thiên đường” thì vẫn chưa gọi là đi. Xuất phát từ ý tưởng của chủ nhân một quán cà phê trên đường Tự Phước, phường 11 (TP Đà Lạt), bậc thang lên “thiên đường” hình thành với kết cấu bằng khung sắt, bề mặt đặt các tấm bê tông công nghiệp được sơn màu trắng dài khoảng 8m, phía dưới giăng lưới phòng lỡ có người rơi xuống sẽ hứng được. Bậc thang thiết kế tạo hiệu ứng cao vút lên bầu trời, khi chụp ảnh tại một số góc sẽ cho người chụp cảm giác không gian vô tận. Độc đáo, lạ, đánh trúng tâm lý tò mò của du khách nên cầu thang trở thành điểm đến cho các tín đồ đam mê du lịch. Chủ nhân của ý tưởng này cho biết, cầu thang có thể chịu lực được 5 - 7 người, nhưng để đảm bảo an toàn, mỗi lượt chỉ cho 1 hoặc 2 khách đứng lên chụp hình. Du khách không phải mua vé vào tham quan, mà chỉ thu tiền nước uống. Từ một địa điểm tạo được sức hút đối với du khách, hàng loạt công trình tương tự “mọc” lên san sát dọc đường Tự Phước, không gian ở đây đang dần bị các công trình tạm chiếm lĩnh.
Không chỉ các cá nhân, ngay cả cơ quan nhà nước cũng tổ chức hoạt động du lịch tự phát, phối hợp thu vé vào điểm tham quan “chui”. Mới đây, một đơn vị tư nhân liên kết với Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đứng ra dựng rào chắn bán vé tham quan vào “cây thông cô đơn” thuộc tiểu khu 112A, khu vực hồ Đan Kia - Suối Vàng. Các ngả đường xuống hồ đều bị rào chắn, mỗi du khách nếu muốn vào rừng chơi (trước kia du khách tự tìm đến) thì sẽ phải mua vé với mức tiền 40.000 đồng/người lớn, 20.000 đồng/trẻ em. “Ngoài chiếc máy cày kéo đưa khách xuống hồ thì khi mua vé chúng tôi không được hưởng bất cứ dịch vụ nào, cũng không hướng dẫn viên, không hệ thống hạ tầng như nhà vệ sinh… Đi vào rừng chụp ảnh mà phải bỏ tiền thì vô lý quá”, anh Trần Ken (du khách TPHCM) cho biết.
Trước đó, UBND huyện Lạc Dương đã có văn bản đề nghị Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà dừng hoạt động du lịch nhưng vườn vẫn bất chấp, chỉ đến khi UBND tỉnh Lâm Đồng giao các Sở VH-TT-DL, Sở Tài chính, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Lạc Dương phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan để làm rõ tính hợp pháp của việc bán vé thu phí tham quan thì việc bán vé mới tạm dừng.
Siết chặt quản lý
Khi chưa có dự án hay kế hoạch phát triển du lịch nào thì mỏ đá bỏ hoang - “Tuyệt tình Cốc” đã đón lượng khách lớn không có sự kiểm soát. Chính quyền địa phương sau đó đã hạn chế người dân vào bằng cách cấm đường, rào chắn và ngăn chặn mọi hoạt động kinh doanh du lịch tại mỏ đá hoang. Tuy nhiên, nhiều cá nhân vẫn tổ chức đưa du khách đến tham quan. Chỉ đến khi ngành chức năng đưa máy bơm vào hút hết nước, du khách mới không còn quay lại khu vực trên. Ông Cil Poh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, cho biết, sau khi rào chắn khu vực, huyện cũng thành lập tổ công tác thường xuyên kiểm tra tại khu vực mỏ đá để kịp thời ngăn chặn các hành vi cố tình xâm nhập cho đến khi UBND tỉnh lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án du lịch tại khu vực này.
Trong khi đó, dù chưa có sự chấp thuận từ các ngành chức năng và địa phương trong việc mở tour, thu tiền vé đối với khách tham quan vào địa điểm “cây thông cô đơn”, nhưng theo ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, việc tham quan tự phát của du khách đã gây tác động xấu đến cảnh quan khu vực này như: phóng uế và xả rác bừa bãi, chặt cây lấy củi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Do đó, Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường (thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà) đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty LAAN (Lạc Dương) để quản lý tổ chức lại hoạt động du lịch ở khu vực. Vườn quốc gia bán vé vào cổng và chia sẻ 20% lợi nhuận cho ngân sách, còn Công ty LAAN tổ chức các dịch vụ cắm trại, vận chuyển thức ăn nước uống khi khách có nhu cầu. UBND tỉnh Lâm Đồng giao Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý khu vực này (tiểu khu 112A), việc bán vé vào cổng và cung cấp các dịch vụ du lịch là hoàn toàn bình thường, đúng các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng khẳng định, việc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà liên kết với đơn vị khác tổ chức bán vé tour vào rừng cho khách tham quan là sai. Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà có chức năng về hoạt động du lịch, nhưng không có thẩm quyền tự mở tuyến du lịch cũng như không thể đóng cửa, mở cổng thu vé bất cứ chỗ nào. Trong trường hợp mở tour tham quan vào “cây thông cô đơn”, đây được coi là tuyến du lịch sinh thái, dã ngoại thì phải áp dụng theo quy định tạm thời về quản lý hoạt động tổ chức, khai thác kinh doanh du lịch mạo hiểm của UBND tỉnh Lâm Đồng và phải được kiểm định, nhưng các đơn vị này không thực hiện.
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, đơn vị nào muốn xây dựng tuyến lữ hành hoặc tuyến tham quan phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở hạ tầng, đào tạo hướng dẫn viên, sau đó đăng ký với sở để thành lập hội đồng thẩm định xem tuyến đó có an toàn cho du khách hay không, nếu đủ điều kiện sở sẽ cấp giấy chứng nhận hoạt động. “Đối với các điểm thu hút khách “tự phát” nhưng không bán vé tham quan mà sử dụng phương thức bán nước uống rồi mới được vào tham quan thì chưa thể gọi là điểm tham quan du lịch. Các đơn vị, cá nhân kinh doanh cà phê đều đăng ký hoạt động, còn những tiểu cảnh là để thu hút khách đến với quán nên rất khó xử lý. Tuy nhiên, các phòng, ban của sở cũng thường xuyên hậu kiểm, khuyến cáo, nhắc nhở chủ cơ sở thực hiện đảm bảo an toàn, an ninh, vệ sinh cho du khách”, bà Nguyễn Thị Nguyên nhấn mạnh.