Bộ mặt mới ở vùng ven biển
Tại công trường Nhà máy điện Hòa Bình 1 (huyện Đông Hải), các nhà thầu thi công nhiều hạng mục. Thời điểm này cơ bản hoàn thành lắp dựng 13/13 tuabin, đồng thời tiếp tục thi công giai đoạn 2. Tương tự, các nhà máy điện gió khác cũng đang tất bật thi công. Tỉnh Bạc Liêu xác định một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế là năng lượng tái tạo. Vì thế, tỉnh tập trung thu hút đầu tư, phát triển năng lượng sạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho biết, hiện trên địa bàn có Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đang vận hành. Bên cạnh đó, tỉnh đang thi công 9 dự án điện gió, dự kiến hoàn thành đóng điện trước tháng 11-2021 thu hút 40 dự án điện gió khác, hiện đang chờ bổ sung vào Quy hoạch điện VIII quốc gia. Đặc biệt, tỉnh vừa thu hút dự án Nhà máy Nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) có tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.
Ở Sóc Trăng, với chiều dài bờ biển 72km, cũng được xem là lợi thế phát triển điện gió. Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Thanh cho biết: “Khảo sát của các nhà đầu tư cho thấy các vùng ven biển Sóc Trăng có tiềm năng lớn về điện gió. Bờ biển dài và rộng, tốc độ gió (ở độ cao 120m) tại khu vực bãi bồi ven biển đạt trung bình khoảng 8,3m/giây; thuận lợi phát triển điện gió trong đất liền và ngoài khơi, tương đương quy mô công suất khoảng 7.000MW”.
Hiện Sóc Trăng được Trung ương chấp thuận bổ sung quy hoạch 20 dự án điện gió. Các dự án này đang triển khai, dự kiến tháng 10-2021 đưa vào vận hành 8 dự án, số còn lại vận hành năm 2022 và 2023.
Ở Bến Tre, từ nay đến năm 2030 được Bộ Công thương phê duyệt về phát triển điện gió ở vùng đất liền ven biển và vùng bãi bồi với diện tích 39.320ha. Đến thời gian này, Bến Tre được phê duyệt 6 nhà máy điện gió. Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Niệm cho biết, tỉnh vừa có thêm 828MW được Trung ương đồng ý bổ sung vào quy hoạch đối với 13 dự án điện gió. Như vậy, tổng công suất các dự án điện gió mà UBND tỉnh trình và chờ xem xét bổ sung quy hoạch đạt 5.370MW. Ngoài ra, các nhà đầu tư khác đang khảo sát, lập hồ sơ, với quy mô hơn 1.000MW. Trong đó, có dự án điện gió ngoài khơi, cách bờ 42km.
Tại Cà Mau, cuối năm 2019, Nhà máy điện gió Tân Thuận giai đoạn 1 (huyện Đầm Dơi) khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành phát điện trong quý 3-2021. Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cho biết, khi dự án hoàn thành có ý nghĩa quan trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển của tỉnh, đồng thời là bước ngoặt để Cà Mau khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Ông Logan Wiliam Knox, đại diện chủ đầu tư Nhà máy điện gió Lạc Hòa và Nhà máy điện gió Hòa Đông, có tổng công suất 60MW, vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng (tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), nhận định: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, việc phát triển năng lượng điện gió sẽ mang lại những giá trị bền vững, lâu dài về kinh tế lẫn môi trường...”. |
Phối hợp để đẩy nhanh tiến độ
Theo Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, nhằm bảo đảm giải tỏa được công suất cho các dự án điện gió (vận hành năm 2021) ngành chức năng và các bên liên quan đang khẩn trương triển khai các đường dây 110kV. Ngoài ra, tỉnh tranh thủ các nguồn vốn từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư hệ thống lưới điện, truyền tải đồng bộ các dự án năng lượng tái tạo. Hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh 20 dự án điện gió, đảm bảo đưa vào vận hành đúng tiến độ.
Đối với Bạc Liêu, để trở thành một trong những trung tâm về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước, tỉnh đang phối hợp với Bộ Công thương đưa vào quy hoạch các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải 500kV, 220kV… Khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư phát triển năng lượng; đồng thời chú trọng những dự án phát điện và các hoạt động bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường.
Tại Cà Mau, các nhà đầu tư đề xuất trên 20 dự án, đề án điện gió, với tổng công suất 8.480MW. Hiện có 7 đề án được tỉnh đồng ý cho tiếp cận nghiên cứu, với công suất trên 4.200MW. Theo các ngành chức năng, để giải phóng hết công suất nguồn điện năng lượng trong thời gian tới thì Cà Mau cần xây dựng thêm đường dây 500kV và trạm biến áp, các đường dây 220kV kết nối với những dự án điện gió nhằm giải phóng công suất nguồn điện cho các dự án năng lượng.
Phát triển điện gió tại ĐBSCL là tín hiệu tích cực. Song, cũng có ý kiến lo lắng khi các lưới điện xây dựng chưa đồng bộ, dẫn đến không giải tỏa hết công suất, gây lãng phí nguồn lực. Mới đây, UBND tỉnh Bạc Liêu làm việc với EVN về thực hiện 4 công trình lưới điện, giải tỏa năng lượng tái tạo trên địa bàn. Cụ thể, Bạc Liêu sẽ hỗ trợ EVN trong giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan; đồng thời đề nghị EVN đẩy nhanh tiến độ nhằm khai thác đồng bộ với các dự án năng lượng tái tạo ở tỉnh.