LTS: Sau những cú sốc như đại dịch Covid-19, lạm phát, khó khăn hậu Covid-19, xung đột và thiên tai…, không ít nước đang phát triển phải gánh thêm các khoản vay nợ nước ngoài. Giờ đây, khả năng trả nợ và phát triển kinh tế của các nước này đang gặp thách thức lớn. Nhiều giải pháp đã được đưa ra để giúp các nền kinh tế đang phát triển tránh rơi vào tình trạng nợ xấu.
Thực trạng
Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất đối với trái phiếu kho bạc vào tháng 3-2022, tiền tệ của các quốc gia thu nhập thấp giảm mạnh giá trị, chính phủ các nước mất quyền tiếp cận thị trường vốn. Ở châu Phi cận Sahara, 19 quốc gia không thể, hoặc có nguy cơ cao không trả được nợ.
Các cuộc biểu tình bạo lực bắt đầu ở Nairobi, Kenya vào tháng 6-2022 như một phản ứng trực tiếp đối với đề xuất của chính phủ về dự luật tài chính giúp tăng thuế để trả nợ nước ngoài. Gánh nặng nợ nần của Kenya đã buộc các nhà lãnh đạo của nước này phải cắt giảm ngân sách liên bang, bao gồm cả chi tiêu cho y tế, để dồn tiền trả nợ.
Chính phủ cũng hoãn trả lương cho các công chức. Tháng 2-2023, Nairobi phải phát hành trái phiếu quốc tế với lãi suất cao ngất ngưởng là 10% so với khoảng 6% đối với trái phiếu mà nước này phát hành năm 2021, để tái cấp vốn cho các khoản nợ hiện tại và đáp ứng nhu cầu phát triển. Kenya hiện đang chi 75% doanh thu thuế cho việc trả nợ.
Khi các chính phủ chuyển ngày càng nhiều nguồn lực để giải quyết gánh nặng nợ, họ sẽ có ít tiền hơn cho các khoản đầu tư để cải thiện cuộc sống của người dân. Tổng giá trị thanh toán lãi suất của 75 quốc gia nghèo nhất thế giới, trong đó hơn một nửa là ở châu Phi, đã tăng gấp 4 lần trong thập niên qua. Năm 2024, theo kế hoạch, các quốc gia này sẽ phải chi hơn 185 tỷ USD, tương đương khoảng 7,5% tổng GDP để trả nợ.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), con số đó lớn hơn số tiền các nước này chi hàng năm cho y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng cộng lại. Tăng trưởng đình trệ đã làm giảm khả năng ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm của các quốc gia trong bối cảnh những tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, gia tăng bất ổn chính trị và buộc mọi người phải di cư. Có tới gần 40% các quốc gia đủ điều kiện nhận viện trợ phát triển từ WB, GDP bình quân đầu người hiện nay thấp hơn so với trước đại dịch. WB mô tả đây là “sự đảo ngược lịch sử trong quá trình phát triển”.
Vòng lẩn quẩn
Để hiểu rõ hơn về tình thế khó khăn do nợ nước ngoài, hãy xem xét trường hợp Ethiopia. Vào những năm 1980, đây là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới và đã trải qua nạn đói tàn khốc. Tuy nhiên, đất nước này đã trở thành một trong những câu chuyện thành công nhất về y tế và phát triển toàn cầu.
Từ năm 2000-2019, số ca tử vong do các bệnh truyền nhiễm đã giảm một nửa, tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm 2/3 và tỷ lệ tử vong ở bà mẹ giảm 3/4. Việc tiếp cận vệ sinh và nước sạch cũng được cải thiện đáng kể. Từ năm 2004-2019, GDP bình quân đầu người của Ethiopia đã tăng gần 200% và nền kinh tế của nước này tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm.
Nhưng trong vài năm qua, thành quả này đã mất đi. Ethiopia đã phải chịu đựng các cuộc khủng hoảng chồng chất, từ sự bùng phát dịch bệnh đến cuộc nội chiến tàn khốc ở Tigray. Hàng trăm ngàn thường dân thiệt mạng, cộng thêm thảm họa thiên nhiên như hạn hán, lũ lụt và hàng tỷ con châu chấu hoành hành. Với doanh thu thuế giảm sút, viện trợ quốc tế cho y tế cơ bản và phát triển giảm xuống mức thấp nhất trong gần một thập niên.
Chính phủ Ethiopia không có tiền để ứng phó hay đáp ứng nhu cầu của hơn 120 triệu người dân. Nợ đã trở thành khoản mục lớn nhất trong ngân sách của chính phủ, trong khi đầu tư vào các lĩnh vực phát triển con người bị đình trệ. Chính phủ chỉ chi 8USD bình quân đầu người cho y tế so với 26USD để trả nợ trong năm tài chính kết thúc vào tháng 7-2021.
Các kế hoạch chuyển đổi hệ thống y tế của đất nước phải hoãn lại. Do không có đủ nguồn tài trợ và mức lương ổn định, nhân viên y tế bỏ nghề. Một vòng lẩn quẩn là đầu tư vào y tế và phát triển giảm do không có nguồn lực tài chính, dẫn đến tăng trưởng kinh tế giảm kéo theo giảm chi tiêu cho y tế.