Nhộn nhịp hoạt động đầu năm
Cô Nguyễn Mai Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp 11CA3, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) cho biết, lớp tổ chức nhiều hoạt động chúc mừng năm mới. Theo đó, lớp trưởng và bí thư đại diện lớp chúc tết giáo viên chủ nhiệm, sau đó cả lớp tham gia rút thăm nhận bao lì xì của giáo viên chủ nhiệm. “Các bao lì xì có giá trị thấp nhất là 10.000 đồng, cao nhất 400.000 đồng. Ngoài tiền lì xì, mỗi học sinh được tặng thêm một chữ viết bằng tiếng Pháp (ngoài công tác chủ nhiệm, cô Mai Phương là giáo viên bộ môn tiếng Pháp - PV) như “hạnh phúc”, “bình an”, “may mắn”, “thịnh vượng” và chữ ký của giáo viên chủ nhiệm để học sinh lưu giữ như một kỷ niệm đẹp của năm lớp 11. Ngoài ra, học sinh biểu diễn các tiết mục văn nghệ ngẫu hứng nhằm tạo không khí vui vẻ, phấn khởi trong ngày học đầu năm. Theo cô Nguyễn Mai Phương, sau kỳ nghỉ tết dài ngày, các em rất háo hức trở lại trường để được gặp thầy cô và bạn bè.
Tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức), Hiệu trưởng Hoàng Thị Hảo cho biết, trong buổi sáng đầu tiên học sinh đi học lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhà trường tổ chức sinh hoạt chào cờ và phát động thi đua mừng Đảng, mừng Xuân, kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2023). Ngoài ra, đại diện ban giám hiệu phát biểu chúc mừng toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh một năm mới nhiều niềm vui, sức khỏe, dạy tốt, học tốt, luôn thành công và hạnh phúc. Đặc biệt, sau kỳ nghỉ tết dài ngày, học sinh được dặn dò ổn định lại nền nếp học tập, củng cố kiến thức để đạt kết quả tốt trong học kỳ 2. Những học sinh có sinh nhật vào ba ngày 29, 30 và 31-1 được chúc mừng, tặng bao lì xì may mắn đầu năm. Riêng tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5), sau khi toàn trường dự lễ chào cờ, học sinh di chuyển lên các lớp để sinh hoạt với giáo viên chủ nhiệm, tham gia các hoạt động chúc mừng năm mới. Song song đó, lãnh đạo đơn vị gặp gỡ chúc tết, lì xì cán bộ lớp, ban chấp hành đoàn trường và họp mặt tân niên toàn bộ hội đồng sư phạm.
Giáo dục giá trị truyền thống
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho biết, sau lễ chào cờ đầu năm, nhà trường lì xì ngẫu nhiên 100 học sinh ở 3 khối lớp. Sau đó, thầy hiệu trưởng có buổi nói chuyện chuyên đề với chủ đề “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”, lồng ghép các câu chuyện đời sống thường ngày để giáo dục học sinh các giá trị đạo đức, trung thực trong học hành và thi cử. “Phụ huynh thường có tâm lý lo lắng học sinh bị rơi rụng kiến thức, khó bắt nhịp lại việc học tập sau kỳ nghỉ tết dài ngày nhưng trên thực tế, học sinh cấp 3 có khả năng thích nghi rất nhanh, nhất là học sinh lớp 12 ý thức khá tốt về việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vào cuối năm học”, thầy Phú bày tỏ. Vị hiệu trưởng này lưu ý, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn không nên tạo áp lực cho học sinh trong ngày học đầu tiên của năm mới, thay vào đó cần tạo không khí học tập thoải mái, vui vẻ, không tổ chức kiểm tra hay giao bài tập khó cho học sinh.
Ở góc độ khác, tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), cô Bùi Minh Tâm, hiệu trưởng nhà trường, thông tin, giữa tháng 2-2023, trường tổ chức hoạt động sinh hoạt ngoại khóa môn Ngữ văn lớp 10. Theo đó, học sinh được xem các trích đoạn cải lương để hiểu hơn về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, biết bảo tồn và lưu giữ nét đẹp về văn hóa, trân quý các hoạt động nghệ thuật cũng như tâm huyết của người nghệ sĩ muốn truyền tải đến các thế hệ trẻ. Tương tự, cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Trưng Vương (quận 1) chia sẻ, cuối tháng 2-2023, học sinh toàn trường sẽ tham gia chương trình ngoại khóa giới thiệu các giá trị âm nhạc truyền thống thông qua các trích đoạn cải lương tuồng cổ. Trường tổ chức cho học sinh giao lưu với nghệ sĩ biểu diễn, qua đó giúp các em có thêm hiểu biết và tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc.