Làng tỷ phú lâm nợ
Ông Lê Thái (thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An) gần nửa tháng nay phải ở nhà, bởi tàu của ông bị chìm ngay cửa biển. Ông Thái cũng không màng chuyện trục vớt tàu, bởi nợ nần đang ngập đầu, vớt lên chỉ thêm “rước nợ” về nhà. Con tàu trị giá 250 triệu đồng được ông mua lại từ gần 14 năm trước để đi biển. Năm đó, ông phải vất vả vay mượn để mua tàu. Tàu chìm, ông Thái mất trắng.
“Phải bỏ tàu thôi, chứ chi phí trục vớt, sửa chữa tốn gần 100 triệu đồng. Tôi đang ôm nợ hơn 170 triệu chưa trả được, nên tàu chìm phải bỏ xác lại”, ông Thái buồn bã nói...
Ông Nguyễn Bá Châu, Trưởng thôn Phổ Trường, cho biết: “Hoàn cảnh của ông Thái cũng là tình trạng chung của nhiều chủ tàu khác ở Phổ Trường. Nhiều tàu cá lâu ngày không hoạt động, không duy tu bảo dưỡng khiến gỗ mục rỗng, nước tràn vào chìm ngoài cửa biển. Nghĩa An trước đây được xem là làng biển tỷ phú, bởi có những ngư dân sở hữu những cặp tàu giá trị hàng chục tỷ đồng. Ở đây có đội tàu mạnh nhất miền Trung với hơn 1.000 chiếc, đa số là tàu giã cào đôi (chiếm đến 60%) thường vươn khơi ngư trường vịnh Bắc bộ, Hoàng Sa, Trường Sa…
Ông Đỗ Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, nhớ lại: “Trước đây, mỗi chuyến biển, một tàu có thể thu về bạc tỷ, khiến cho làng biển lúc nào cũng tươi vui, nhộn nhịp. Các cảng cá ở Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Thuận… đều có bóng dáng của đội tàu xã Nghĩa An đi qua”.
Thời kỳ hưng thịnh nhất là những năm 2013 - 2014, các hộ làm ăn giàu có đã lần lượt đăng ký đóng mới tàu thuyền theo Nghị định 67 của Chính phủ. Mỗi nhà đều cầm cố tài sản, nhà cửa vay đóng mới, ít nhất mỗi năm có đến 40-50 tàu đóng mới. Khi biển dã được mùa, nhiều người đã đi vay “nóng” với tiền lãi rất cao để đóng thêm tàu vươn khơi khai thác. Nhiều đội tàu hành nghề giã cào với kiểu đánh bắt tận diệt đã khiến nguồn lợi ngư trường suy kiệt. Những chuyến biển sau đó ngư dân trở về tay trắng. Nợ nần cũng từ đây mà phát sinh.
“Các chủ nợ tìm đến siết đồ đạc, nhà cửa. Vợ chồng, con cái ly tán; nhiều người thì trốn biệt xứ. Nhiều người phải đưa tàu đi neo đậu ở các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Quảng Trị, Quảng Bình… vì sợ chủ nợ siết tàu. Nhiều tàu không hoạt động, lâu ngày hư hỏng rồi tự chìm”, ông Nguyễn Bá Châu ngao ngán.
Không lối thoát
Sau những thất bại, xã Nghĩa An tập trung toàn lực tìm lối thoát cho ngư dân thông qua việc chuyển đổi ngành nghề. Thế nhưng, theo ông Châu: “Dù là cách gì cũng phải có vốn, mà cả thôn Phổ Trường đang nợ nần tiền tỷ, kể cả nhà cũng thế chấp thì không thể tìm đâu ra vốn để làm ăn”.
Ông Đỗ Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, cho biết: Xã lập hẳn đề án tái cơ cấu kinh tế, trong đó có các nghề làm mắm, nuôi trồng… nhưng đều khó khả thi. Để giải quyết các khoản nợ ngân hàng, trước mắt xã Nghĩa An đã gửi đơn kiến nghị lên thành phố cũng như các ngân hàng, tìm cách dãn thời gian trả nợ gốc, lãi suất.
“Nếu kiến nghị này được chấp thuận thì ngư dân Nghĩa An mới mong tìm được lối thoát. Bởi một khi đầu óc và tâm trí cứ bị “cái bóng” nợ nần đè nặng thì khó tập trung làm được việc gì. Việc thứ hai là giải quyết vấn đề bồi lấp cửa biển Cửa Đại Cổ Lũy, tàu thuyền chỉ có xuất bến mà không thể về bến, do vũng neo cạn. Tàu không về thì cá tôm không có, việc bán buôn, dịch vụ hậu cần nghề cá cũng vì thế ảm đạm theo”, ông Minh nói.