Theo nghiên cứu mới đây của Đại học Y Hà Nội, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm ở trẻ em đang diễn ra phức tạp, với số trẻ mắc cúm, Adenovirus, sốt virus, tay chân miệng, sốt xuất huyết tăng rất cao khiến nhiều cơ sở khám chữa bệnh nhi khoa bị quá tải.
Qua thống kê, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận hơn 3.130 ca mắc Adenovirus từ đầu năm 2022 đến nay, trong đó có 9 ca trẻ tử vong. Trong khi đó, từ đầu tháng 9 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM mỗi ngày tiếp nhận 1.500-2.000 trẻ mắc các bệnh hô hấp đến thăm khám.
Đặc biệt, nhiều dịch bệnh đã diễn biến trở nên phức tạp, không tuân theo mùa, ghi nhận nhiều ca tăng nặng và thời gian mắc bệnh kéo dài, như dịch cúm B đang xảy ra tại nhiều tỉnh thành phía Bắc.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội, nguyên nhân của tình trạng gia tăng các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em là do "nợ miễn dịch" sau thời gian giãn cách xã hội và giảm tiếp xúc trong dịch Covid-19 trước đó.
Nợ miễn dịch là hiện tượng xảy ra do không tiếp xúc với vi khuẩn và virus một cách thường xuyên. Trong thời gian thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus Covid-19 trước đây như giãn cách xã hội, tăng cường rửa tay và khử trùng, đeo khẩu trang… đã góp phần lớn vào việc ngăn chặn sự lây lan của các loại bệnh thông thường.
“Mặc dù các biện pháp này đem lại những tác dụng có lợi ngắn hạn nhưng khi các biện pháp ngăn ngừa này không còn phổ biến, trẻ em quay lại trường học, tham gia các hoạt động ngoài trời và các hoạt động cộng đồng thì nguy cơ bùng phát các bệnh thông thường do virus và vi khuẩn sẽ tăng lên”, PGS-TS Nguyễn Thị Diệu Thúy nêu rõ.