Nỗ lực xóa mù chữ cho đồng bào thiểu số

Nhiều năm qua, những giáo viên tâm huyết của Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (xã Đắk Minh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Lắk) đã mở lớp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số, mang ánh sáng tri thức đến những vùng xa xôi. Họ dành cả tấm lòng và sức lực để giúp các học viên tìm con chữ, từ đó mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng hơn.

Lớp học đặc biệt

Đều đặn từ tối thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, vợ chồng ông Y Ven (60 tuổi) và bà H’Phon (47 tuổi) ôm sách vở, xách đèn pin lội bộ hơn 2km đến điểm Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân để học chữ. Ông Y Ven cho hay, trước đây vì gia đình nghèo, đông con nên ông không được đến trường. Đến khi lập gia đình, cuộc sống vợ chồng ông cứ ở quanh nương rẫy nên không nghĩ đến con chữ. Ngay cả tên của mình, ông cũng chỉ biết cha mẹ đặt như vậy chứ không hình dung ra viết như thế nào. “Cả vợ lẫn chồng đều không biết chữ, khiến cuộc sống gặp nhiều bất tiện, nhất là khi làm các thủ tục hành chính, tôi phải nhờ người khác làm giúp. Không biết chữ nên vợ chồng tôi gần như chỉ dám quanh quẩn trong buôn làng, không dám đi đâu xa hơn”, ông Y Ven kể.

Từ khi Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân mở lớp xóa mù chữ, vợ chồng ông Y Ven đã đến đăng ký học, quyết tâm thoát khỏi cảnh mù chữ. Đôi bàn tay thô kệch, chai sạm của ông Y Ven vốn quen với cái cuốc, cái cày, nên khi cầm bút ông thấy rất khó khăn. Thế nhưng, sau thời gian ngắn đến lớp, những nét chữ mềm mại đã được ông viết thành thạo. Ông Y Ven khoe với chúng tôi rằng không chỉ biết viết, giờ đây ông có thể ký tên và đọc vanh vách các bài học trong sách giáo khoa. “Mình vui lắm, giờ mình có thể hát được Karaoke, ở nhà còn có thể bày cho cháu đánh vần. Làm các thủ tục giấy tờ mình cũng có thể tự ký tên chứ không phải lăn tay như trước đây”, ông Y Ven vui mừng nói.

Trong số những học viên trong lớp, không ít người đã lên chức ông, bà nhưng vẫn miệt mài đến lớp. Như bà H’Trớp (55 tuổi, buôn Jun Juh) đã có nhiều cháu nội, cháu ngoại nhưng vẫn đến lớp để học chữ. “Trước đây, mỗi lần cháu đến nhờ chỉ bài, tôi ngại ngần tìm cách lẩn tránh vì không dám nói là bà không biết chữ. Nhưng từ khi tham gia lớp học, nhờ cô giáo chỉ dạy, giờ đây tôi có thể đọc, làm được những bài toán cộng - trừ - nhân - chia, có thể tự tin bày cho các cháu những bài toán dễ”, bà H’Trớp tâm sự.

Học viên lớp học xóa mù chữ đủ mọi lứa tuổi, tất cả đều học rất nghiêm túc. Dù bận bịu với công việc nhưng những học viên vẫn chuyên cần đến lớp. Như vợ chồng anh Y Suah Bkrông (37 tuổi) ôm cả đứa con nhỏ 3 tuổi đến lớp học. Ngồi bên cha mẹ, thỉnh thoảng bé gái cũng đánh vần theo. Anh Y Suah khoe với chúng tôi chiếc điện thoại thông minh mới mua và đã sử dụng thành thạo: “Từ ngày biết con chữ, mình tự tin hơn và có thể sử dụng được điện thoại thông minh, giúp ích được nhiều việc trong cuộc sống”.

Ông Trần Văn Vượng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Mil, cho biết, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện đã tổ chức 37 lớp xóa mù chữ, dạy cho trên 800 học viên, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại các thôn, bon khó khăn. “Hiện nay, các lớp xóa mù chữ mới chỉ giảng dạy đến lớp 5. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tính toán nâng mức xóa mù chữ đến lớp 9 để nâng cao kiến thức cho bà con”, ông Vượng thông tin.

Mở ra chân trời mới

Cô giáo Lê Thị Liên, chủ nhiệm lớp xóa mù chữ chia sẻ, đa số học viên là người dân tộc thiểu số, tuổi từ 30 đến 60. Ngày trước, đa phần bà con nghèo, mãi lo tỉa hạt bắp, trồng củ mì... lo cái ăn qua ngày, không màng đến việc học hành nên không biết đến mặt chữ. Do đó, bà con gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống, đặc biệt khi thực hiện các thủ tục hành chính phải lăn tay rất bất tiện. Biết được vấn đề này, nhà trường đã quyết tâm xóa bỏ nạn mù chữ ở buôn làng, nâng cao trình độ dân trí cho bà con.

W4b.jpg
Cô giáo Lê Thị Liên hướng dẫn các học viên từng nét viết

Sau khi hoàn thành khóa học lớp 1, hiện nay các học viên đang học chương trình lớp 2 và có thể tự đọc, tự viết, không phải nhờ người khác nữa. Điều này giúp họ tự chủ hơn, giảm nguy cơ bị lừa gạt, hiểu rõ thông tin quan trọng. “Niềm vui, sự tự tin và thay đổi tích cực trong cuộc sống của các học viên chính là động lực để lớp xóa mù chữ này tiếp tục hoạt động, lan tỏa ánh sáng tri thức đến với cộng đồng dân tộc thiểu số”, cô Lê Thị Liên bày tỏ.

Theo bà Nhâm Thị Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, lớp xóa mù chữ là một trong những nỗ lực của nhà trường nhằm góp phần nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Bằng tâm huyết mang lại ánh sáng tri thức cho cộng đồng, nhà trường và đội ngũ giáo viên đã nỗ lực duy trì lớp học và tiếp tục triển khai đến lớp 5. “Mặc dù gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì duy trì hoạt động lớp học. Chúng tôi tin rằng, việc xóa mù chữ sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con dân tộc thiểu số, giúp họ tự chủ hơn trong cuộc sống, nâng cao vị thế và cải thiện đời sống”, bà Ngọc chia sẻ. Lớp xóa mù chữ của Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân đang âm thầm lan tỏa hy vọng, mang lại niềm tin, mở ra tương lai tươi sáng hơn cho cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây.

Tin cùng chuyên mục