Để thực hiện mục tiêu “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, thời gian qua TPHCM đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, trong đề án “Xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đã được UBND TP phê duyệt, trong đó tập trung các nhiệm vụ cụ thể như xây dựng cơ sở dữ liệu GIS nền địa hình tỷ lệ lớn để làm nền cho các ứng dụng dữ liệu không gian khác.
Chương trình xây dựng hệ thống thông tin quản lý tài nguyên và môi trường thực hiện trong giai đoạn 2014-2020 dựa trên cơ sở số hóa tài liệu ngành (do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý) có tích hợp hệ thống thông tin các dự án thành phần thuộc đề án hệ thống thông tin quản lý đô thị bao gồm các lĩnh vực đất đai, quy hoạch, biến đổi khí hậu, hạ tầng ngầm, xây dựng ứng dụng phân tích và dự báo về môi trường, đáp ứng nhu cầu thực tế; hệ thống tính toán dữ liệu quy hoạch môi trường phục vụ chương trình phát triển đô thị của thành phố.
Với mục tiêu tạo lập dữ liệu quản lý tài nguyên và môi trường tập trung toàn thành phố gắn liền với hệ thống thông tin đại lý (GIS), hệ thống định vị toàn cầu (GPS), đảm bảo sự thông suốt trong tích hợp, liên kết, chia sẻ và cung cấp đầy đủ thông tin trực tuyến. Qua đó, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, tổ chức, công dân hiểu rõ chính sách, pháp luật về đất đai, định hướng quy hoạch khai thác sử dụng tài nguyên bền vững. Đồng thời tuyên truyền về các quyền, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện và được Nhà nước bảo hộ.
Trao đổi về nội dung này, ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, cho biết tiến trình đô thị hóa nhanh thường gây ra những xáo trộn trong xã hội, khiến chính quyền phải đối mặt với nhiều vấn đề như khan hiếm tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, xử lý chất thải, cơ sở hạ tầng... Để vượt qua những thách thức này, chính quyền phải tìm ra các giải pháp thông minh hơn và “Thành phố thông minh” chính là giải pháp chiến lược, tận dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề xã hội này. “Thành phố thông minh” liên kết cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng xã hội, giúp thành phố quản lý điều hành hiệu quả và thống nhất ở tất cả các lĩnh vực. Công nghệ được ứng dụng để tổ chức, thiết kế, quy hoạch, triển khai các giải pháp mới, giúp quản lý thành phố một cách mềm dẻo, bền vững dưới sự giám sát của người dân.
Dưới sự phát triển của khoa học kỹ thuật ngày càng cao, khối lượng xử lý dữ liệu ngày càng lớn, trong khi nguồn nhân lực còn hạn chế và yêu cầu cần đáp ứng đối với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội ngày càng nhiều, đây sẽ là một thách thức lớn và đòi hỏi chúng ta phải tập trung mọi nguồn lực để vượt qua.
Tăng cường kết nối, chia sẻ nguồn dữ liệu
Nhiều ý kiến cho rằng, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay thì việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khoa học - công nghệ thực sự là yêu cầu cấp bách. Đẩy mạnh, áp dụng công nghệ trong việc xây dựng dữ liệu thông tin về tài nguyên và môi trường, khi đó sẽ dễ dàng tiếp cận khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này và đây sẽ là nền tảng để kiến tạo môi trường phát triển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Bảo Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng áp lực từ phát triển kinh tế đã đè nặng lên vấn đề môi trường và đòi hỏi công nghệ mới phải tham gia kiểm soát ô nhiễm.
Trong năm 2018, Cục Công nghệ thông tin đã xác định sẽ đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, tăng cường cải cách hành chính ngành tài nguyên và môi trường; cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp. Nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm thời gian, kinh phí cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, nhằm liên kết, trao đổi và chia sẻ giữa các dữ liệu chuyên ngành tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng, thiết kế kiến trúc hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong phạm vi kiến trúc Chính phủ của bộ, bao gồm liên thông, kết nối với các bộ, ngành khác và chính quyền điện tử của địa phương để đảm bảo tính thống nhất, liên thông và tích hợp của các cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, thành phố đang nỗ lực để thực hiện các nhiệm vụ hết sức nặng nề trong lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành tài nguyên và môi trường, bao gồm đất đai, môi trường, đo đạc và bản đồ, tài nguyên nước, khí tượng - thủy văn và biến đổi khí hậu, biển và hải đảo. Đứng trước bối cảnh rất nhiều thách thức đặt ra đối với thành phố dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế - xã hội nhưng TPHCM cũng đang phải đối mặt với việc gia tăng dân số, phát triển đô thị diễn ra mạnh mẽ... và kéo theo rất nhiều vấn đề liên quan đến quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn.
Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cũng như nhằm đạt được các mục tiêu trong 7 chương trình đột phá mà TPHCM đã đề ra, Sở Tài nguyên và Môi trường TP cũng đã đưa ra nhiều giải pháp; trong đó, giải pháp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong ngành là giải pháp mang tính chiến lược và đóng vai trò nền tảng để triển khai các nhiệm vụ một cách bền vững.
Cũng theo ông Thắng, TPHCM sẽ đẩy mạnh việc chia sẻ và kết nối các dữ liệu thông tin liên quan đến tài nguyên và môi trường để cùng nhau hợp tác với các địa phương, từ đó có những giải pháp thiết thực nhất trong việc quản lý bảo vệ môi trường.