Báo cáo tại hội nghị cho biết, tính đến tháng 8-2019, số xã được công nhận đạt chuẩn NTM của cả 2 vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên là 604/1.424 xã, chiếm 42,41% (cả nước có 4.522 xã đã đạt chuẩn, chiếm 50,8%). Trong đó, vùng duyên hải Nam Trung bộ có 378/825 xã, chiếm 45,82% (tăng 34,42% so với cuối năm 2015), mức độ tăng cao hơn so với bình quân cả nước là 33,65% nhưng thấp hơn so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,8%).
Nam Trung bộ có 4/8 tỉnh, thành phố đạt và vượt mục tiêu phấn đấu mà Thủ tướng Chính phủ giao, là Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận. Đối với Tây Nguyên, đã có 226/599 xã (chiếm 37,73%) được công nhận đạt chuẩn NTM (tăng 30,53% so với cuối năm 2015, mức độ tăng thấp hơn so với bình quân cả nước là 33,65%), thấp hơn so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,8%). Tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM qua 10 năm khoảng 364.585 tỷ đồng (chiếm 17,23% so với cả nước).
“So với bình quân chung cả nước, Nam Trung bộ và Tây Nguyên cũng như riêng từng vùng đều có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM thấp hơn bình quân cả nước, chỉ cao hơn vùng miền núi phía Bắc (26,45% số xã đạt chuẩn). Điều này cho thấy Nam Trung bộ và Tây Nguyên vẫn đang là vùng trũng về xây dựng NTM của cả nước”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhìn nhận.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích đánh giá những kết quả và hạn chế của công tác xây dựng NTM tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên; đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên tiếp tục bứt phá vươn lên.
Hội nghị quán triệt quan điểm: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt; người nông dân là chủ thể”; phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, xây dựng NTM vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên tiếp tục phát triển toàn diện và bền vững, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn khá lên, tiệm cận với khu vực đô thị. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, lấy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển du lịch nông thôn làm nền tảng cơ bản gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và phù hợp với quá trình đô thị hóa; chú trọng bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống gắn với phát triển mạnh du lịch nông thôn; đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp.